Kết phiên giao dịch ngày 17/4, giá cà phê ghi nhận mức tăng mạnh nhất trên toàn thị trường hàng hóa. Cụ thể, chốt ngày 17/4, giá Robusta thiết lập mức cao nhất lịch sử tại 4.195USD/tấn, sau khi tăng vọt 5,48%. Đồng thời, giá Arabica cũng ghi nhận mức tăng lên đến 5,23%, đạt mốc 5.298 USD/tấn, cao nhất trong vòng 2 năm.
Cụ thể, trên sàn ICE Futures Europe, giá cà phê Robusta giao tháng 5/2024 tăng 229 USD/tấn, ở mức 4.234 USD/tấn; giao tháng 7/2024 tăng 218 USD/tấn, ở mức 4.195 USD/tấn.
Tương tự, trên sàn ICE Futures US, giá cà phê Arabica giao tháng 5/2024 tăng 11,2 cent/lb, ở mức 247,95 cent/lb,; giao tháng 7/2024 tăng 11,95 cent/lb, ở mức 240,35 cent/lb.
Giá cà phê 2 sàn tiếp tục tăng mạnh, thêm hơn 5% trong phiên hôm qua, dù tồn kho trên sàn tăng. Robusta lại phá kỷ lục, trong khi Arabica lên mức cao nhất hơn 2 năm nay. Những lo ngại về vụ mùa cà phê ở Brazil và Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động mua cà phê kỳ hạn của các quỹ.
Robusta lại phá kỷ lục, trong khi Arabica lên mức cao nhất hơn 2 năm nay |
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), lo ngại về triển vọng nguồn cung cà phê tiêu cực hơn trong vụ tiếp theo tại Việt Nam tiếp tục là yếu tố chính thúc đẩy giá Robusta nói riêng cũng như giá cà phê thế giới nói chung. Khô nắng kéo dài đang khiến tình trạng quả non chết khô tăng cao, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng thu hoạch vào cuối năm. Hiện tại, một số đơn vị cung cấp nước tại Tây Nguyên đã ra thông báo ngừng hoạt động. Điều này khiến lo ngại tình trạng khô hạn tại các vùng trồng cà phê trở nên nghiêm trọng hơn do cây cà phê khó phát triển khi thiếu nước và thiếu mưa cung cấp độ ẩm.
Hơn nữa, hiện tượng thời tiết La Nina nhiều khả năng có thể quay lại vào cuối năm khiến nông dân lo lắng hoạt động thu hoạch cà phê cuối năm nay có thể bị trì hoãn. Điều này càng khiến nông dân có xu hướng nắm giữ lượng cà phê hiện có, đẩy tình trạng khan hàng trở nên nghiêm trọng hơn.
Tại Brazil, nông dân nước này đang ở đầu giai đoạn thu hoạch cà phê vụ 2024-2025. Tuy nhiên, chưa có thông tin cụ thể về tiến độ thu hoạch nên hiện tại chưa đủ sức ép để lấn át những lo ngại về mùa vụ tại Việt Nam. Hãng môi giới StoneX dự báo, sản lượng Robusta vụ đang thu hoạch của Brazil là 22,7 triệu bao, tăng 1,2 triệu bao so với năm trước.
Tương tự Robusta, cà phê Arabica cũng đứng trước lo ngại sụt giảm sản lượng do La Nina có thể gây sương giá trong vụ thu hoạch Arabica vào tháng 7 tới tại Brazil. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động thu hoạch trong vụ 2024-2025, mà còn có thể gây giảm sản lượng cho các niên vụ tiếp theo, như những gì đã xảy ra trong chu kỳ trước vào năm 2021.
Bên cạnh đó, giá Arabica còn nhận hỗ trợ trước số liệu tồn kho tiêu cực. Cụ thể, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US kết ngày 16/4 giảm thêm 1.064 bao loại 60kg, về còn 623.481 bao.
Trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam bộ tiếp tục tăng phi mã, ghi nhận chuỗi tăng dài và mạnh chưa từng có trong lịch sử. Cập nhất đến sáng ngày 17/4, giá thu mua cà phê trong nước đã vượt 117.000 đồng/kg, tăng đến 2.500 đồng/kg so với ngày trước đó. Sau 10 ngày tăng liên tiếp, giá cà phê nội địa đã ghi nhận tổng mức tăng tích lũy lên đến 15.000 đồng/kg.
Theo các chuyên gia, sản lượng cà phê thế giới niên vụ năm nay giảm khoảng 10 – 15%. Trong khi đó, sản lượng của Việt Nam niên vụ 2023 – 2024 dự báo giảm 10%. Ngoài ra, căng thẳng ở Biển Đỏ đã khiến cước vận chuyển và nhiều chi phí tăng, qua đó tạo sức ép khiến giá cà phê càng tăng cao hơn nữa.
Việt Nam sản xuất từ 27 đến 30 triệu bao cà phê Robusta, đóng góp khoảng 40% tổng sản lượng toàn cầu |
Ông Carlos Mera, phụ trách ngành hàng nông sản tại ngân hàng Rabobank (Hà Lan) cho biết, thời tiết nắng nóng kéo dài tại Đông Nam Á ảnh hưởng lớn đến vụ cà phê, làm trầm trọng thêm tình trạng eo hẹp nguồn cung hiện nay, thúc đẩy các nhà chế biến cà phê tăng gom hàng do lo ngại thiếu hụt nguồn cung toàn cầu.
Các nhà rang xay cà phê, đặc biệt là ở châu Âu, đã tìm cách tăng dự trữ trong bối cảnh lo ngại về chuỗi cung ứng do các cuộc tấn công vào các tàu hàng ở Biển Đỏ từ tháng 11/2023, buộc các tàu di chuyển giữa châu Á và châu Âu phải chuyển tuyến qua Mũi Hảo Vọng thay vì qua Kênh đào Suez.
Bên cạnh đó, các nhà chế biến cà phê cũng đang cố gắng tăng dự trữ trước khi luật mới của Liên minh châu Âu (EU) cấm cà phê trồng trên đất rừng bị phá có hiệu lực vào tháng 12/2024.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Hằng năm, Việt Nam sản xuất từ 27 đến 30 triệu bao cà phê Robusta, đóng góp khoảng 40% tổng sản lượng toàn cầu. Tuy nhiên, kể từ sau niên vụ 2021-2022, thị phần cà phê của Việt Nam liên tục sụt giảm, từ việc chiếm 40% tổng sản lượng toàn cầu, giảm xuống còn 36% trong niên vụ hiện tại. Đây là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của ngành hàng này ở những năm tiếp theo.
Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2023-2024 tại Việt Nam giảm thêm 10% so với vụ trước, còn khoảng 1,6 triệu tấn (tương đương 26 triệu bao loại 60kg). Đây là tác động bởi biến đổi khí hậu gây nắng nóng khiến một số vùng sản xuất cà phê tại Việt Nam không còn phù hợp và sản lượng có xu hướng giảm.