Dư địa thị trường còn rất lớn
Tại tọa đàm Tăng sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU do Tạp chí Công Thương tổ chức sáng 18/11, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương cho biết, nhìn chung, thị trường EU khá đa dạng. Đây là thị trường có sức mua cao, thị trường tiềm năng lớn và đặc biệt khi có một FTA tiềm năng và hiệu quả như là EVFTA, EU trở thành một thị trường rất hấp dẫn dành cho doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Ngô Chung Khanh cũng chia sẻ thẳng thắn, do tư duy của người Châu Âu, kể cả trong quá trình đàm phán hay trong quá trình thực thi đều có một đặc điểm là họ không chỉ quan tâm đến giá thành sản phẩm, không chỉ quan tâm đến chất lượng mà còn quan tâm đến cách thức làm ra sản phẩm, hay cách doanh nghiệp đối xử với người lao động, đối xử với môi trường, đối xử với xã hội như thế nào. Đấy là một đặc điểm mà các không ít doanh nghiệp Việt Nam biết nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng chuẩn bị.
Sau hai năm đi vào thực thi, EVFTA đã mang lại những kết quả tích cực, song cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng dư địa còn rất lớn. Cụ thể, thị phần của nhiều mặt hàng chiến lược của chúng ta như thủy sản, rau quả là thế mạnh nhưng thị phần vẫn còn rất thấp. Trong đó, rau quả khoảng hơn 2-3%, thủy sản khoảng hơn 4%, kể cả may mặc cũng chỉ 4%.
“Điểm thứ hai là doanh nghiệp của chúng ta hiện nay vẫn còn gia công khá nhiều. Một số doanh nghiệp thời gian qua được ghi nhận là đã tập trung vào khâu chế biến và nâng cao chất lượng sản phẩm như Công ty Đồng Dao, gạo Lộc trời, cà phê Vĩnh Hiệp, hồ tiêu Khương Sinh… Đây là một động lực rất tốt để cho doanh nghiệp Việt Nam tăng thêm hiện diện bằng thương hiệu của mình, bằng giá trị của mình. Nhưng có một điểm hơi đáng tiếc là số lượng những thương hiệu như thế còn khá khiêm tốn” – ông Ngô Chung Khanh nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI chia sẻ thêm, EU là thị trường xuất khẩu truyền thống của chúng ta. EU cách đây khoảng chục năm là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, hiện nay là thị trường xuất khẩu đứng thứ ba của Việt Nam sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. EU cũng là một thị trường mà cho đến nay chúng ta có tốc độ tăng trưởng tương đối tốt.
Trong hai năm đầu thực thi EVFTA, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt trung bình khoảng 41,7 tỷ USD một năm và cao hơn mức trung bình năm của giai đoạn 2016 – 2019 (33,5 tỷ đô), cao hơn 24% (tương đương cao hơn 1/4).
Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ những gì chúng ta chưa làm được thì xét về tỷ trọng của thị trường EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thì cách đây khoảng 10 năm đâu đó khoảng 19% – 20% nhưng sau đấy giảm dần và đến năm 2021 vừa rồi tỷ trọng chỉ còn khoảng 12%. Rõ ràng mặc dù kim ngạch tăng lên nhưng tốc độ tăng của xuất khẩu Việt Nam sang thị trường EU thấp hơn tốc độ tăng của xuất khẩu Việt Nam đi tất cả các thị trường thế giới và điều này cũng thể hiện ở tốc độ tăng kim ngạch của Việt Nam đi EU luôn luôn thấp hơn tốc độ tăng trưởng bình quân xuất khẩu của Việt Nam đi thị trường thế giới.
Theo khảo sát của VCCI, lý do lớn nhất của tình trạng trên là nhiều doanh nghiệp chưa từng có giao dịch nào với thị trường EU, cho nên không hưởng lợi từ hiệp định này.
Nhóm vấn đề thứ hai được đề cập là doanh nghiệp không biết có lợi ích gì từ EVFTA.
Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, EU đang đặc biệt nhấn mạnh những tiêu chuẩn về môi trường, tiêu chuẩn về nhân văn… thì vấn đề lao động, thuế CBAM (thuế carbon) để đáp ứng tiêu chuẩn của EU không chỉ là thách thức đối với những doanh nghiệp chưa từng xuất khẩu sang EU mà nó cũng là thách thức với cả những doanh nghiệp đã từng quen thuộc có kinh nghiệm ở EU, bởi vì tiêu chuẩn đang thay đổi và yêu cầu cao hơn.
Ngoài ra cũng theo khảo sát của VCCI thì yếu tố cản trở các doanh nghiệp tận dụng những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do nói chung và EVFTA, ngoài yếu tố lớn nhất là các biến động và sự bất định của thị trường thì còn là năng lực cạnh tranh hạn chế của doanh nghiệp.
Dư địa của rau quả Việt Nam tại EU còn rất lớn |
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, sở dĩ doanh nghiệp xác định thị trường Châu Âu là thị trường truyền thống, thứ nhất là dư lượng nhập khẩu của EU rất lớn. Trên thế giới có 8 tỷ dân thì EU khoảng 500 triệu dân nhưng mà nhu cầu nhập khẩu chiếm khoảng 45% nhu cầu về rau quả của thế giới. Đây là nhu cầu lớn.
Vấn đề thứ hai, đối với các nước EU nói riêng và các nước châu Âu nói chung, họ không trồng được các loại rau quả nhiệt đới như dứa, chuối, chanh leo…
Một điều nữa đối với châu Âu là thanh toán sòng phẳng và nghiêm túc. Đây là một điều rất thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thực ra châu Âu là thị trường yêu cầu cao về cả số lượng và chất lượng. Đồng thời, họ quan tâm đặc biệt đến cách các doanh nghiệp sử dụng lao động thế nào và môi trường cảnh quan nhà máy ra sao. Đây là một yêu cầu khó, nhưng mà nếu làm dần từng bước một thì doanh nghiệp có thể đáp ứng được yêu cầu của các nước EU nói riêng và Châu Âu nói chung.
Chung tay đưa sản phẩm vào sâu thị trường EU
Để hàng hóa hiện diện tốt hơn tại thị trường EU, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, cần làm tốt hơn hoạt động xúc tiến thương mại theo cách chuyển từ việc xúc tiến thương mại cho sản phẩm của doanh nghiệp sang xúc tiến thương mại cho cả một ngành hàng. Đối với công tác kết nối, hiện nay, một số thương vụ của Việt Nam đag làm tốt công việc kết nối này và đã bước đầu mang lại cái kết quả rất tích cực. Đây là hình thức nên tiếp tục được mở rộng để cho để cho nhiều các doanh nghiệp khác được hưởng lợi.
Hay ở mảng câu chuyện hỗ trợ các doanh nghiệp Việt để vượt qua những rào cản về mặt kỹ thuật hay là an toàn vệ sinh thực phẩm, những yêu cầu chất lượng thì nhà nước có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp để kiểm sản phẩm, để doanh nghiệp có thể đảm bảo hàng hóa của mình an toàn và xuất khẩu sang thị trường phía bạn mà không bị trả lại. Hoặc là những đào tạo cho doanh nghiệp để biết quy trình EU đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng như thế nào thì doanh nghiệp trên cơ sở đó sẽ tuân thủ để có thể tiếp cận được thị trường.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Đinh Cao Khuê cho rằng: “Để các doanh nghiệp cạnh tranh được, không những ở thị trường EU và thị trường trong nước, thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ thì bản chất doanh nghiệp phải có khả năng cạnh tranh”.
Để làm được điều này, doanh nghiệp phải làm tốt hai vấn đề, thứ nhất là chất lượng hàng hóa phải tốt. Thứ hai là giá thành hợp lý.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ vì đây vẫn là cách tiếp cận cơ bản nhất. Có nhiều cách tiếp cận như thương mại điện tử, Facebook… nhưng hội chợ vẫn là cách tiếp cận cơ bản nhất.
“Chính vì vậy, cơ quan chủ trì như Bộ Công Thương cần phải tổ chức cho các doanh nghiệp một cách bài bản hơn, từ cách trang trí, hỗ trợ đến thiết kế, đến gian hàng. Vì mỗi hội chợ thì một công ty chỉ được 4-6 mét vuông, không đủ chỗ trang trí, không đủ chỗ để làm… thì vẫn không ổn. Cần có những gian hàng quốc gia hoặc ngành hàng với quy mô lớn hơn. Vì sản phẩm của doanh nghiệp hiện nay không thua kém gì các nước khác” – ông Khuê nói.
Đối với doanh nghiệp, ông Khuê cho rằng, cần đầu tư vào sản xuất lớn để có thể áp dụng được các biện pháp khoa học kỹ thuật, từ phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc và đặc biệt là tăng năng suất lao động, giảm giá thành để tăng cạnh tranh.
Một vấn đề nữa là phải hình thành chuỗi liên kết từ bà con nông dân, các hợp tác xã đến các thương lái để đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm.