Tháng 6/2023, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn giảm tháng thứ 4 liên tiếp

Tháng 6/2023, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn giảm tháng thứ 4 liên tiếp

Tháng 6/2023, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận mức thấp nhất theo tháng kể từ đầu năm 2023 đến nay.

Tháng 6/2023, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn giảm tháng thứ 4 liên tiếp

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, tháng 6/2023, Việt Nam xuất khẩu được 141,34 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 65,43 triệu USD, giảm 26,7% về lượng và giảm 18,4% về trị giá so với tháng 5/2023.

Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đang có xu hướng tăng trở lại
Tháng 6/2023, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn giảm tháng thứ 4 liên tiếp

So với tháng 6/2022 giảm 50,3% về lượng và giảm 47,7% về trị giá, đây là tháng giảm thứ 4 liên tiếp so với cùng kỳ năm 2022.

Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 463 USD/tấn, tăng 11,3% so với tháng 5/2023 và tăng 5,2% so với tháng 6/2022.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,5 triệu tấn, trị giá 593,84 triệu USD, giảm 13,4% về lượng và giảm 21,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang một thị trường vẫn tăng trưởng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2022, trong đó đáng chú ý là các thị trường như thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia… Tuy nhiên các thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam.

Trong tháng 6/2023, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 84,88% tổng lượng sắn xuất khẩu của cả nước với 119,97 nghìn tấn, trị giá 55,38 triệu USD, giảm 29,9% về lượng và giảm 21,6% về trị giá so với tháng 5/2023; so với tháng 6/2022 giảm 52,4% về lượng và giảm 50,2% về trị giá.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 1,34 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 522,85 triệu USD, giảm 15,1% về lượng và giảm 23,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 2 tháng gần đây, nhập khẩu sắn và tinh bột sắn của Trung Quốc giảm so với cùng kỳ năm 2022 do đang vào mùa Hè, mùa tiêu thụ cồn thấp điểm tại Trung Quốc, cùng với việc đồng Nhân dân tệ mất giá mạnh.

Nhìn chung, tại thị trường Trung Quốc, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh với sắn và tinh bột sắn của Thái Lan, Lào và Campuchia.

Chính sách quốc gia về sắn giai đoạn 2020 – 2025 là một bước quan trọng hướng tới phát triển ngành sắn của Campuchia và mở rộng thị trường xuất khẩu. Campuchia đã đạt được tiến bộ trong xuất khẩu sắn, với Việt Nam và Thái Lan là những người mua hàng đầu và việc Trung Quốc nổi lên như một thị trường xuất khẩu chính của sắn Campuchia là một bước phát triển tích cực.

Thỏa thuận mới giữa Campuchia và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) về xuất khẩu 400.000 tấn sắn khô từ tháng 3/2022 đến tháng 3/2023 là cơ hội tốt để Campuchia tăng hơn nữa xuất khẩu sắn sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều quan trọng đối với Campuchia là tiếp tục phát triển ngành sắn và giải quyết mọi thách thức có thể phát sinh, như đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và nâng cao năng suất và hiệu quả trong quy trình.

Để cạnh tranh với Thái Lan trong việc xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn sang Trung Quốc là khó đối với doanh nghiệp Việt Nam, song với lợi thế giá rẻ, giao thương quen thuộc, thị trường gần, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ vững và mở rộng thị phần tại thị trường Trung Quốc.

Hướng đến mục tiêu 2 tỷ USD/năm

Dự báo nhu cầu của Trung Quốc đối với tinh bột sắn vụ mới của Việt Nam sẽ tăng lên khi nước này chuẩn bị bước vào mùa sản xuất bánh trung thu kể từ đầu tháng 6 âm lịch.

Tại thị trường trong nước, giá tinh bột sắn nội địa tại miền Bắc và miền Trung đồng loạt tăng 100 – 200 đồng/kg. Nguồn cung sắn từ Campuchia về các cửa khẩu Tây Ninh tăng mạnh.

Tại Lạng Sơn, các doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn vẫn đang giao hàng sang Trung Quốc với giá được đẩy lên cao nhất trên 4.200 NDT/tấn, nhưng rất ít.

Trong 10 năm gần đây, tốc độ phát triển ngành sắn của Việt Nam đã có sự tăng trưởng khá mạnh. Hiện nay, diện tích trồng sắn cả nước khoảng 530.000 ha/năm, sản lượng đạt trên 10 triệu tấn củ sắn tươi/năm. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm sắn sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia… tăng từ 0,958 tỷ USD (năm 2018) lên gần 1,5 tỷ USD (năm 2022).

Cây sắn và ngành công nghiệp chế biến từ tinh bột sắn đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 1,2 triệu lao động, đóng góp không nhỏ trong việc xoá đói giảm nghèo, ổn định kinh tế – xã hội cho nhiều địa phương trong cả nước.

Thời gian qua, Hiệp hội Sắn Việt Nam đã có các buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Thanh Hóa, Yên Bái, Gia Lai, Phú Yên, Kon Tum, Bình Định, Đắk Lắk, Tây Ninh để đánh giá thực trạng vùng nguyên liệu sắn và quy mô sản xuất tinh bột sắn, nhằm đảm bảo sản xuất ổn định, phát triển bền vững cây sắn ở các địa phương.

Tại Đại hội nhiệm kỳ III (giai đoạn 2023 – 2028) diễn ra mới đây, Hiệp hội Sắn Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2028 kim ngạch xuất khẩu sắn Việt Nam đạt 2 tỷ USD/năm, tầm nhìn năm 2050 đạt 2,5 tỷ USD/năm.

Để đạt được con số này, ông Nghiêm Minh Tiến – Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam – cho biết – ngành sắn xác định có 3 vấn đề cần phải giải quyết, đó là: xuất khẩu lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường; công nghệ chế biến còn lạc hậu, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu; mất cân đối giữa chế biến và vùng trồng sắn nguyên liệu…

Hiệp hội Sắn Việt Nam đã đề ra các giải pháp, phương hướng như: duy trì diện tích sắn cả nước đạt từ 500.000 – 520.000 ha/năm. Hạn chế tình trạng cạnh tranh thu mua không lành mạnh, gây thiệt hại chung cho ngành sắn trong nước; kiểm soát an toàn dịch bệnh trên cây sắn; đầu tư mở rộng ứng dụng công nghệ tiên tiến vào chế biến, nâng tỷ lệ chế biến sâu sau tinh bột sắn từ 6,7% lên 15%; mở rộng, đa dạng hóa thị trường…

Nguyễn Hạnh

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí