Phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, chủ yếu xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch khiến đầu ra trái thanh long gặp nhiều khó khăn, nhất là khi thị trường này áp dụng chính sách “Zero Covid”. Tìm đường dài cho trái thanh long đang là vấn đề được đặt ra.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)), hiện thanh long Việt Nam được trồng hầu hết 63 tỉnh thành với tổng diện tích gần 65.000 ha, sản lượng trung bình gần 1,4 triệu tấn/năm. Trong đó, 3 tỉnh gồm Bình Thuận, Long An, Tiền Giang trồng thanh long nhiều nhất. Năm 2015, giá trị xuất khẩu thanh long Việt Nam đạt 483 triệu USD và đến năm 2020 đạt hơn 1,1 tỷ USD.
Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ N&PTNT) – cho biết, sức hấp dẫn của thanh long đã thúc đẩy việc mở rộng diện tích, tăng sản lượng để phục vụ xuất khẩu. Thế nhưng thanh long phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc và chủ yếu xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch. Thời gian qua, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero Covid” khiến việc xuất khẩu thanh long sang thị trường này gặp nhiều khó khăn. Mỗi khi thị trường này thay đổi chính sách thì tiêu thụ khó khăn, giá rớt chỉ còn 2.000 đồng/kg đến 3.000 đồng/kg, bà con thua lỗ nặng.
Hiện thanh long chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc:
Ghi nhận tại các địa phương cho thấy, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, giá thanh long trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tăng đáng kể, ở mức từ 14.000 -18.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sau khi có thông tin tỉnh Lạng Sơn ngừng tiếp nhận xe nông sản, giá thanh long trên địa bàn tỉnh đột ngột giảm sâu, chỉ còn 1 nửa, thương lái chỉ thu mua thanh long với giá 7.000 đồng/kg loại 1, còn hàng loại 2, loại 3 thì hầu như không ai mua.
Tương tự, tại tỉnh Tiền Giang, trái thanh long ruột đỏ vào thời điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần giá trên 20.000 đồng/kg đã quay đầu giảm xuống còn 3.000 – 5.000 đồng/kg (tùy loại), thậm chí trái thanh long loại 3, 4 giá chỉ còn 2.000 đồng/kg, nhưng ít thương lái thu mua. Với mức giá này, nhà vườn trồng cây thanh long bị thua lỗ nặng.
Sau thời gian giảm sâu vì thương lái ngừng thu mua hoặc mua cầm chừng, giá thanh long đang tăng nhẹ trở lại. Tại huyện Chợ Gạo, vùng chuyên canh thanh long lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, hiện thương lái đang thu mua thanh long ruột đỏ tại vườn loại 1 với giá 16.000 đồng/kg, loại 2 với giá 11.000 đồng/kg và loại 3 có giá 6.000 đồng/kg. Thanh long ruột trắng giá rẻ hơn.
Là một trong những thủ phủ thanh long, ông Mai Kiều – Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận – cho biết, quy mô sản xuất vẫn nhỏ lẻ, manh mún; xây dựng vùng sản xuất tập trung chưa được nhiều… khiến năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của trái thanh long còn thấp. Mặt khác, khâu bảo quản chế biến phát triển còn yếu, tỷ trọng sản phẩm hàng hóa có chất lượng, có thương hiệu xuất khẩu thấp. Việc tiêu thụ không ổn định, giá cả còn bấp bênh, thị trường tiêu thụ chưa đa dạng, phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Vì vậy, khi việc xuất khẩu qua thị trường này gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, hiện nay một số cửa khẩu tạm dừng hoạt động hoặc nhập khẩu nhưng với sản lượng thông quan rất hạn chế nên ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thụ, xuất khẩu.
Câu hỏi được đặt ra là giải pháp nào cho trái thanh long?
Hiện có 2 quan điểm về việc này gồm: chỉ cho phát triển thanh long lên đến 100.000 ha; cần giảm diện tích xuống. Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Tùng, việc tăng hay giảm phải xem xét yếu tố thị trường và sự nhạy bén của các doanh nghiệp và các địa phương, cũng như phải tăng cường liên kết tiêu thụ thanh long thì mới phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chế biến. “Đối với chế biến thanh long, hiện chúng ta có sản phẩm đa dạng nhưng chỉ tiêu thụ 5% sản lượng, do đó phải tăng lên 20-25% mới có ý nghĩa”, ông Lê Thanh Tùng nhận định.
Một vấn đề nữa được đặt ra đối với trái thanh long Việt Nam đó là hiện nay Trung Quốc đã trồng thanh long với diện tích lớn, sản lượng nhiều nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu thụ thanh long Việt Nam sang thị trường này. Trước đây họ chỉ sản xuất thanh long thu hoạch từ tháng 5-10 (theo mùa), nay có cả hàng nghịch vụ.
TS. Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế hợp tác (Trường Cán bộ NN&PTNT II) cho biết, khi vào chính vụ, họ làm mọi cách để bảo vệ thị trường trong nước. Vì vậy, trái thanh long Việt không còn thời kỳ “hoàng kim” như trước đây. Mặt khác, chuỗi liên kết yếu, mặc dù có sản lượng lớn nhưng hàng đạt chất lượng lại nhỏ nên không thể đáp ứng nhu cầu của một số thị trường. Do đó, bên cạnh việc đa dạng hóa thị trường, giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm.
Câu chuyện trái thanh long cũng như nhiều nông sản khác cho thấy đầy thách thức về cả thị trường, liên kết, tiêu thụ… Tìm đường dài cho trái thanh long đặt ra bài toán cần phải thay đổi tư duy tiếp cận, tổ chức lại sản xuất và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Thị trường làm chủ sản xuất, do đó, các địa phương phải tổ chức lại sản xuất thanh long bắt đầu từ cấp xã theo hướng hiểu rõ về sản xuất đến nắm rõ nhu cầu thị trường, đối tác và đối tượng cạnh tranh. Cần tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, tự phát,… nâng cao giá trị trái thanh long cũng cần từng bước chuyển đổi xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.