Lo ngại chất lượng hạt điều
Theo báo cáo của Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), trong 6 tháng đầu năm, ngành điều đã xuất khẩu được 279.000 tấn điều nhân các loại, kim ngạch đạt khoảng 1,6 tỉ USD, tăng 9,49% về lượng và tăng 7,65% về trị giá nhưng giá xuất khẩu nhân điều bình quân chỉ đạt khoảng 5.717 USD/tấn, giảm 1,73% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngành điều tiếp tục điều chỉnh giảm dự báo xuất khẩu năm 2023 |
Ông Bạch Khánh Nhựt – Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) – cho biết, nửa năm nay, ngành điều Việt Nam đối diện với nhiều khó khăn, phần lớn đến từ yếu tố khách quan như: Khủng hoảng địa chính trị; chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương, lạm phát toàn cầu, sức mua tại các thị trường trọng điểm thấp, người tiêu dùng toàn cầu giảm chi tiêu…
Dẫn phản ánh từ hội viên và khách hàng, ông Bạch Khánh Nhựt cho biết, nhiều hợp đồng mua bán điều thô đã ký với khách hàng châu Á đã phải thương lượng lại giá hoặc người mua yêu cầu hỗ trợ giá, giảm thu hồi… từ phía người bán.
Trong bối cảnh khó khăn chung, theo ghi nhận của VINACAS, việc chậm trễ giao hàng hoặc chất lượng nguyên liệu chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự việc xảy ra ở trên.
Một trong những lý do được VINACAS đưa ra là do các nước châu Phi đang tiến dần đến việc tự sản xuất, chế biến nhân điều (tương tự nhà máy tại Việt Nam đang làm), do đó nguồn nguyên liệu châu Phi nhập về Việt Nam thường là điều thô phẩm cấp thấp. Các doanh nghiệp nhập khẩu lưu trữ hàng trong kho với thời gian dài dẫn đến chất lượng điều nhân chế biến cũng giảm sút.
“Mới đây, VINACAS nhận được than phiền từ các nhà nhập khẩu châu Âu, phản ảnh chất lượng điều nhân của doanh nghiệp Việt Nam giảm đi và nhiều lô hàng có tồn dư côn trùng sống”, ông Bạch Khánh Nhựt chia sẻ và cho rằng việc giữ được chất lượng sản phẩm là yếu tố sống còn của ngành điều Việt Nam, bởi nhiều lợi thế trước đây không còn nữa, và áp lực cạnh tranh từ các nước châu Phi đang mỗi ngày một lớn hơn.
Một nguyên nhân khác được VINACAS đề cập đến đó là theo phản ảnh của các doanh nghiệp, thủ tục kiểm dịch thực vật đối với những lô hàng điều thô nhập khẩu hiện nay còn mất nhiều thời gian, khiến thời gian lưu hàng tại bãi kéo dài làm tăng chi phí của doanh nghiệp.
Vì vậy, lãnh đạo VINACAS kiến nghị Chính phủ tiếp tục xem xét ban hành điều chỉnh chính sách để hạn chế nhập khẩu nhân điều sơ chế; tích cực tháo gỡ vướng mắc về tín dụng, xúc tiến thương mại để tìm kiếm thị trường mới…
“Nhu cầu mua giảm, thời gian trữ hàng tồn kho dài hơn bình thường, dẫn đến chất lượng nguyên liệu khi tới tay người mua giai đoạn cuối năm 2023 sẽ là dấu hỏi”, ông Bạch Khánh Nhựt đặt vấn đề.
2 kịch bản cho ngành điều từ nay đến cuối năm
Không lo ngại vấn đề nguồn cung hạt điều những tháng cuối năm, theo ông Bạch Khánh Nhựt, hiện lượng nguyên liệu khá dồi dào, doanh nghiệp chế biến không có nhiều áp lực phải mua, trữ nguyên liệu so với mọi năm, phần lớn đã có đủ lượng hàng cần thiết cho sản xuất đến hết quý IV/2023 và quý I/2024.
Theo các doanh nghiệp ngành điều, do sức mua yếu ở các thị trường trọng điểm, các doanh nghiệp ngành điều gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh trong nửa đầu năm 2023. Xu hướng mua hàng giao ngay với số lượng nhỏ là chủ đạo trên giai đoạn này, dẫn đến giá bán cũng khó giảm sâu, nhưng cũng khó có thể tăng giá đột biến như những giai đoạn trước đây.
Giai đoạn 6 tháng cuối năm 2023 đến quý I/2024, tăng trưởng của ngành điều tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. VINACAS cũng xây dựng 2 kịch bản với ngành hàng này.
Theo đó, với kịch bản “tốt”, doanh nghiệp bán hàng kích cầu, đẩy nhanh tiêu thụ sẽ giúp giảm lượng tồn kho tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, đồng thời đẩy nhu cầu mua hàng vào cuối năm. Tuy nhiên, việc tăng cường kiểm soát chất lượng của các thị trường trọng điểm sẽ làm cho nhân điều giá thấp, chất lượng kém sẽ khó tiếp cận các thị trường này.
Kịch bản “không tốt”, kinh tế toàn cầu tiếp tục suy thoái, hạt điều không phải là mặt hàng thiết yếu nên nhu cầu của “người tiêu dùng cuối cùng” sẽ tiếp tục giảm.
Tuy vậy, thách thức lớn cho ngành điều hiện nay vẫn là vấn đề thu mua nguyên liệu. Đơn cử như “thủ phủ” vùng nguyên liệu điều là tỉnh Bình Phước hiện gần như không phát triển diện tích trồng điều mà còn bị thu hẹp do nông dân chặt, phá cây điều để chuyển đổi sang loại cây trồng khác.
Theo VINACAS, năm 2022, diện tích điều tại các tỉnh: Bình Phước, Đắk Nông, Đồng Nai bị thu hẹp đáng kể, riêng Bình Phước từ 175.000 – 180.000ha trước đây đã giảm xuống còn 150.000ha.
Điều này dẫn tới việc phụ thuộc vào nguồn điều thô nhập khẩu từ châu Phi và Campuchia. Điều đáng nói, nhiều doanh nghiệp chế biến hạt điều đã phải “sống dở, chết dở” khi giá nguyên liệu cao, còn giá điều nhân chế biến lại giảm.
Nhất là tình trạng các doanh nghiệp chế biến hạt điều tranh nhau mua điều thô với giá quá cao. Trong khi đó, trước những biến động kéo dài trên thị trường thế giới, để thoát hàng, nhiều doanh nghiệp thiếu đoàn kết, cạnh tranh nhau, đạp giá nhau nên bị người mua ép bán với giá rẻ, dẫn đến giá bán đầu ra thấp hơn đầu vào, khó tránh chuyện thua lỗ.
Đó là chưa kể những rủi ro về mặt xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp ngành điều trong nước khi làm việc với các đối tác mới ở châu Phi và Trung Đông.
Trước tình hình khó khăn từ nội tại lẫn thị trường tiêu thụ, VINACAS tiếp tục đề nghị điều chỉnh kim ngạch xuất khẩu điều năm 2023 xuống con số 3,05 tỉ USD. Trước đó, VINACAS xin được điều chỉnh chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu giảm từ 3,8 tỉ USD theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuống 3,1 tỉ USD.