(HQ Online) – Dự kiến năm 2022, XK dệt may sẽ về đích khoảng 43 tỷ USD. Tình trạng sụt giảm đơn hàng có khả năng còn kéo dài trong quý 1/2023, song vào quý 3, 4/2023 tổng cầu dệt may thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ. Trên cơ sở đó, toàn ngành dệt may hướng tới mục tiêu XK 45-47 tỷ USD trong năm sau.
Từ quý 3, 4/2023, tổng cầu dệt may mới có thể phục hồi tương ứng với mức giảm của lạm phát. Ảnh: Ng.Thanh |
“Đói” đơn hàng vẫn về đích 43 tỷ USD
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), 10 tháng năm 2022, toàn ngành dệt may XK gần 38 tỷ USD, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2021. Ngành dệt may đã XK đến 66 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 47-50 mặt hàng, trong đó chiếm tỷ trọng lớn trong XK là quần áo may mặc các loại.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho biết: 10 tháng năm 2022, thị trường XK lớn nhất của dệt may Việt Nam là Mỹ, chiếm 13,9 tỷ USD; đứng thứ hai là thị trường các nước trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với gần 4,8 tỷ USD; đứng thứ ba là thị trường các nước EU với gần 3,4 tỷ USD và Hàn Quốc đứng thứ tư với 2,5 tỷ USD.
Tuy có nhiều thuận lợi giai đoạn đầu năm nhưng ở nửa cuối năm, XK dệt may đối mặt không ít khó khăn. Hiện nay, DN XK đang chịu áp lực rất lớn về sụt giảm đơn hàng.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) chia sẻ: trong 10 tháng qua, tổng kim ngạch XK của Công ty tăng khoảng 8% so cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, các đơn hàng bị thiếu do đối tác dịch chuyển sang những thị trường có giá nhân công rẻ, thuế suất thấp như Bangladesh, Myanmar, châu Phi…
“Hiện, Hugaco có đơn hàng đến hết tháng 11/2022 và nửa tháng 12/2022. Số thiếu hụt còn lại có thể bù đắp bằng việc nhận đơn hàng nhỏ của Hàn Quốc và một số thị trường khác như Nhật Bản, Trung Quốc… Không chỉ gặp khó khăn về số lượng đơn hàng, đơn giá hàng dệt may cũng bị giảm hơn 20%, thậm chí có đơn hàng giảm tới 40 – 50%”, ông Dương nói.
Về XK dệt may cả năm nay, Vitas dự báo toàn ngành sẽ về đích khoảng 43 tỷ USD. Chủ tịch Vitas lý giải: “Việt Nam có 15 FTA đã có hiệu lực, là nền tảng tạo ra giải pháp đa dạng hoá thị trường. Đây là yếu tố rất đặc biệt. Cùng với đó, lạm phát và sức mua các nước lớn giảm đã tạo ra áp lực cho các DN Việt Nam tìm giải pháp để đa dạng hoá thị trường XK, đẩy mạnh tìm thị trường mới. Trên thực tế, nhiều DN đã chuyển đổi mạnh mẽ, thúc đẩy quản trị số, tìm cách tự chủ chuỗi cung ứng trong nước, đa dạng mặt hàng… Tất cả các yếu tố này giúp XK dệt may Việt Nam thu về những kết quả đáng kể, duy trì XK tới 66 quốc gia và vùng lãnh thổ”.
Nhu cầu dệt may phục hồi từ quý 3/2023
Áp lực sụt giảm đơn hàng trong ngành dệt may được dự báo sẽ kéo dài sang cả quý 1/2023 với mức giảm bình quân 20-27%. Ông Vũ Đức Giang đánh giá: “Sức mua toàn cầu giảm, ngành dệt may giảm như vậy vẫn ít hơn so với ngành da giày, gỗ… Những DN làm hàng gia công sẽ chịu tác động lớn hơn. Các DN XK chủ động được nguyên phụ liệu sẽ chịu tác động ít hơn”.
Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, phải từ quý 3, 4/2023 tổng cầu dệt may mới có thể phục hồi tương ứng với mức giảm của lạm phát. Đưa ra mục tiêu XK cụ thể, ông Vũ Đức Giang nêu rõ: năm 2023, ngành dệt may đặt mục tiêu XK đạt 45-47 tỷ USD. Mục tiêu này dựa trên cơ sở năm 2023, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ đưa thuế suất bằng 0%. Đây là động lực thúc đẩy chuyển dịch đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam.
“Thời gian qua, toàn ngành khó khăn nhưng chuyển dịch đầu tư của các nước trong khu vực vào Việt Nam tương đối bứt phá. Cùng với đó, các DN Việt Nam đã và đang thúc đẩy chủ động nguyên phụ liệu trong nước với tỷ trọng ngày càng tăng. Ngoài ra, các chương trình phát triển bền vững, quản trị số và kinh tế tuần hoàn của Việt Nam đang thu hút các nhãn hàng chọn Việt Nam. Dự kiến, nếu sức mua toàn cầu có những thay đổi tích cực mục tiêu XK dệt may 2023 có thể được điều chỉnh trong thời gian tới”, ông Vũ Đức Giang nói.
Bên cạnh câu chuyện đơn hàng, đề cập tới những khó khăn nổi cộm DN XK dệt may đã và đang phải đối mặt, đại diện Vitas cho biết: điển hình là vấn đề giữ chân người lao động. Lao động là tài sản số 1 của DN, trên cả thiết bị công nghệ, nhà xưởng nên dù trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm, DN cũng phải nỗ lực giữ chân lao động. Nhiều đơn vị đã phải chuyển từ sản xuất may mặc sang làm túi xách cho các siêu thị để có công việc cho người lao động trong khi chờ ngành dệt may phục hồi vào năm sau.
Ngoài ra, hiện nay nhiều DN dệt may cũng gặp khó khăn về vốn. Ngành dệt may đang có kiến nghị gửi Chính phủ và các bộ, ngành để cân nhắc việc giảm thuế hoặc hoãn thuế cho DN. “Về lãi suất ngân hàng, đề nghị với một số lĩnh vực ngành hàng có tác động XK lớn, giải quyết việc làm và lao động lớn như dệt may, ngân hàng nên cân nhắc giữ lãi suất hợp lý để khuyến khích DN duy trì giữ ổn định sản xuất…”, ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.