Thông tin được đưa ra tại Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa” do Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức sáng 13/12, tại Bến Tre.
Trung Quốc hiện là thị trường rất quan trọng của dừa
Dừa là 1 trong 6 đối tượng nằm trong Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành theo Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT năm 2024. Đề án đặt mục tiêu, đến năm 2030, diện tích dừa khoảng 195.000 – 210.000 ha; vùng trồng dừa trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long khoảng 170.000 – 175.000 ha, vùng Duyên Hải Nam Trung bộ diện tích 16.000 – 20.000 ha, còn lại 9.000 – 15.000 ha được trồng tại các tỉnh vùng Bắc Trung bộ, Đông Nam bộ…
Dừa tươi Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ tăng mạnh về lượng và trị giá |
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – hiện nay, dừa Việt Nam đang trở thành mặt hàng xuất khẩu với giá trị cao. Các sản phẩm chế biến từ dừa đang có tiềm năng lớn để gia tăng giá trị của cây dừa, tăng thu nhập cho người dân. Theo thống kê, 30% diện tích dừa đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 30% được cấp mã số vùng trồng.
Hiện nay, ngành dừa Việt Nam, với diện tích gần 200.000 ha, đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn tại các tỉnh duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Từ con số khiêm tốn chỉ 180 triệu USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2010, ngành dừa đã phát triển mạnh mẽ, đạt hơn 900 triệu USD vào năm 2023 và kỳ vọng vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2024.
Những bước tiến tích cực như việc Hoa Kỳ và châu Âu chấp thuận dừa Việt Nam, cùng quá trình đàm phán với Trung Quốc về xuất khẩu chính ngạch, đã tạo ra tiền đề lớn cho sự mở rộng thị trường và phát triển bền vững của ngành dừa.
Riêng với thị trường Trung Quốc, đây là thị trường rất quan trọng của dừa, hàng năm nước bạn tiêu thụ 4 tỷ quả dừa, trong đó có khoảng 2,6 tỷ quả tươi… Trong khi nhu cầu lớn nhưng năng lực sản xuất của Trung Quốc còn hạn chế, đây chính là cơ hội cho quả dừa của Việt Nam.
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư cho phép dừa tươi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là bước ngoặt quan trọng, mở ra cơ hội to lớn cho dừa tươi Việt Nam chinh phục thị trường tỷ dân.
Nhận định về cơ hội và thách thức tại thị trường này, ông Nguyễn Phong Phú – Giám đốc kỹ thuật Công ty Vina T&T Group – đánh giá, thị trường Trung Quốc đem đến nhiều cơ hội lớn cho xuất khẩu dừa Việt Nam, nhưng cũng tiềm ẩn không ít thách thức.
Về thuận lợi, Trung Quốc là thị trường đông dân, nhu cầu cao đối với các sản phẩm từ dừa, đặc biệt là dừa tươi, nước dừa, dầu dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa. Với vị trí địa lý gần gũi, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về chi phí vận chuyển so với các đối thủ từ Đông Nam Á và châu Phi. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi về giảm thuế và đẩy mạnh giao thương. Việt Nam là quốc gia có sản lượng dừa lớn, đặc biệt từ Bến Tre và các tỉnh miền Tây, đảm bảo khả năng cung cấp ổn định cho thị trường.
Tuy nhiên, đại diện Công ty Vina T&T Group cũng cho rằng, xuất khẩu dừa sang Trung Quốc cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Trung Quốc ngày càng nâng cao tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật, chất lượng và an toàn thực phẩm. Sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước sản xuất dừa khác như Thái Lan, Indonesia, điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải cải tiến sản phẩm và giữ giá hợp lý.
Các đơn vị Trung Quốc thuê các xưởng nhỏ đóng gói xuất khẩu, các xưởng đó không đảm bảo an toàn thực phẩm và không có mã cơ sở đóng gói vẫn làm hàng xuất đi Trung Quốc và các thị trường khác, ảnh hưởng đến các công ty đầu tư bài bản và đầy đủ các giấy tờ thủ tục cho xuất khẩu.
Ngoài ra, các thay đổi về chính sách nhập khẩu; chi phí vận chuyển, bảo quản và xử lý hậu cần vẫn là một thách thức, đặc biệt với dừa tươi yêu cầu bảo quản kỹ càng; đặc biệt sự phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc dễ dẫn đến rủi ro nếu thị trường này thay đổi đột ngột. Do đó, việc tối ưu hóa chất lượng, nâng cao năng lực sản xuất và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững.
Những lưu ý cho các doanh nghiệp
Lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa sang thị trường Trung Quốc, ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam – khuyến nghị, dừa tươi xuất khẩu gồm dừa có vỏ xanh và dừa đã gọt vỏ, phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các vùng trồng và cơ sở đóng gói dừa phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt trên cổng CIFER.
Ngoài việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt và các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp, doanh nghiệp trước khi xuất khẩu phải lấy mẫu 2% để kiểm tra. Sau 2 năm, nếu không có vi phạm, doanh nghiệp sẽ được giảm còn 1%.
Nói thêm về thị trường Trung Quốc, ông Nam thông tin, Trung Quốc không có chính sách MRL mặc định, không áp dụng các tiêu chuẩn của các thị trường khác hay Tiêu chuẩn của CODEX. Thay vào đó, phía bạn cập nhật quy định 2 năm một lần và liên tục bổ sung các MRL mới. Xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc năm 2024 dự kiến đạt 250 triệu USD, chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành. Đây là thị trường nhiều tiềm năng với ngành dừa.
Không chỉ Trung Quốc, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam khuyến nghị doanh nghiệp quan tâm đến các thông báo của thị trường EU. Trong năm 2024, thị trường này có 3 thông báo thay đổi MRL của các hoạt chất: Fenbuconazole, Penconazole và Zoxamide.“Dù xuất khẩu đi thị trường nào, chúng ta cũng phải tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu của thị trường đó”, ông Nam nhấn mạnh.