Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến giữa tháng 8 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 42,59 tỷ USD, tăng 28,9%, tương ứng tăng 9,55 tỷ USD so với cùng năm trước.
Trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ 01/01/2024 đến 15/8/2024 và cùng kỳ năm 2023 |
Trước đó, trong tháng 7/2024, xuất khẩu máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 5,9 tỷ USD, tăng 18,4% so với tháng trước.
Tính chung trong 7 tháng năm 2024, xuất khẩu hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam đạt 39,59 tỷ USD, chiếm tới 17% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước và tăng 29,1% (tương ứng tăng 8,93 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, từ đầu năm đến giữa tháng 8 năm 2024, kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện nhập khẩu đạt 64,15 tỷ USD, tăng 28,2%, tương ứng tăng 14,11 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Trị giá nhập khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ 01/01/2024 đến 15/8/2024 và cùng kỳ năm 2023 |
Trong tháng 7 năm 2024, nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 10,08 tỷ USD, tăng 13,4%, tương ứng tăng 1,19 tỷ USD so với tháng trước.
Tính chung trong 7 tháng năm 2024, nhập khẩu nhóm hàng này đạt 59,43 tỷ USD, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng lớn nhất tới 28% trong tổng trị giá nhập khẩu của cả nước, vượt qua mức nhập khẩu cả năm của nhóm hàng này trong năm 2019.
Tính đến giữa tháng 8, xuất khẩu máy tính, linh kiện điện tử tăng trưởng gần 29%, mang về 42,59 tỷ USD |
Báo cáo “Triển vọng đầu tư nửa cuối năm 2024” của Ngân hàng HSBC dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm tiếp tục lộ trình phục hồi thúc đẩy bởi chu kỳ điện tử toàn cầu. Xuất khẩu điện tử của Việt Nam đang rất tốt. Nhờ vậy, hoạt động công nghiệp thể hiện qua chỉ số quản lý mua hàng (PMI) tiếp tục cho thấy hoạt động sản xuất đang mở rộng.
Mặc dù ngành xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là sự biến động của thị trường nguyên liệu đầu vào, khi giá cả nguyên liệu liên tục thay đổi và sự phụ thuộc vào nguồn cung từ các quốc gia khác. Ngoài ra, áp lực cạnh tranh từ các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới cũng là một yếu tố không thể xem nhẹ.
Ngoài ra, cơ hội cho ngành công nghệ Việt Nam cũng rất lớn. Việc thu hút được các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đầu tư vào Việt Nam đã mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước, không chỉ trong việc tăng trưởng xuất khẩu mà còn trong việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực và phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Với đà tăng trưởng hiện tại, giới chuyên gia dự báo, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sẽ tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu trong những năm tới. Vì thế, để duy trì đà tăng trưởng, các doanh nghiệp trong ngành cần không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư vào công nghệ tiên tiến và phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao.
Ngoài ra, nếu đơn hàng xuất khẩu ngành điện tử duy trì như hiện nay thì nhiều khả năng kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có khả năng cán mốc 100 tỷ USD. Cả hai nhóm hàng đều có thị trường phong phú, đa dạng ở khắp 5 châu. Trong đó, lớn nhất phải kể đến Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU…