Chiều 3/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Họp báo Thường kỳ tháng 9/2022.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản 9 tháng năm 2022 ước đạt 74,7 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu ước đạt 40,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu ước đạt khoảng 33,9 tỷ USD, tăng 5,7%. Ngành nông nghiệp xuất siêu khoảng 6,9 tỷ USD USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại cuộc Họp báo |
Về xuất khẩu, nhóm nông sản chính xuất khẩu đạt trên 16,8 tỷ USD, tăng 7,5%; lâm sản chính khoảng 13,3 tỷ USD, tăng 10,8%; thủy sản đạt trên 8,5 tỷ USD, tăng 38%. Đến nay, có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu 02 tỷ USD. Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ như: cà phê đạt gần 3,1 tỷ USD (tăng 37,6%); cao su trên 2,3 tỷ USD (tăng 7,8%); gạo đạt trên 2,6 tỷ USD (tăng 9,3%); hồ tiêu khoảng 774 triệu USD (tăng 7,7%); sắn và sản phẩm sắn đạt trên 1 tỷ USD (tăng 21%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 12,4 tỷ USD (tăng 11,4%)
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt trên 10,5 tỷ USD (chiếm 25,8%); thị trường Trung Quốc đạt khoảng 7,4 tỷ USD (chiếm 18,2%); thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 3,1 tỷ USD (chiếm 7,6%); thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,9 tỷ USD (chiếm 4,7%).
Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp 4.597 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu tại 54 tỉnh, thành phố; 1.419 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cho các loại quả tươi được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản,…
Gần nhất, 02 Nghị định thư về xuất khẩu chanh dây và sầu riêng đã được ký giữa Việt Nam – Trung Quốc; đã có 25 mã số cơ sở đóng gói và 51 vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt và trong tháng 9 đã xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc.
Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – đánh giá, những biến động về địa chính trị, mất giá của các đồng tiền sẽ tác động đến cả các hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam.
Về lĩnh vực chăn nuôi, ông Tống Xuân Chinh – Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi – nhận định, năm nay là một năm rất nóng đối với ngành chăn nuôi, nhất là liên quan đến vấn đề giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Đến nay, nguyên liệu các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu vẫn giữ, do đó, sắp tới, giá các sản phẩm chăn nuôi giảm giá là khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, việc tận dụng phế phụ phẩm trong chăn nuôi sẽ là một giải pháp.
Trong lĩnh vực trồng trọt, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, với nền kinh tế mở, những biến động của thị trường thế giới sẽ tác động đến các lĩnh vực của ngành trồng trọt. Tuy nhiên, riêng đầu vào về giống trong ngành trồng trọt, nhất là trong ngành lúa cơ bản chủ động, do đó, sẽ không chịu tác động về biến động về tỷ giá.
Đối với vấn đề tăng giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi,… đại diện Cục Chăn nuôi, Cục Trồng trọt, Tổng cục Thủy sản cũng cho biết đã xây dựng và triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa chi phí, giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Tăng cường tận dụng sử dụng phụ phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, đây là một quá trình thay đổi nhận thức của nông dân.
Đến thời điểm này, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt xuất khẩu ước đạt 40,8 tỷ USD, trong bối cảnh nhiều khó khăn do tình hình địa chính trị, khiến thị phần thị trường sẽ thu hẹp, tồn kho xuất hiện, đơn hàng giảm rất sâu. Để đạt được mục tiêu về đích xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 50 tỷ USD; tăng trưởng GDP năm 2022 toàn ngành 2,8-3%, để đạt được mục tiêu đề ra, ông Phùng Đức Tiến cho rằng, cần tận dụng nguyên liệu tại chỗ, sản xuất đi theo hướng kinh tế tuần hoàn, đồng thời, tháo gỡ khó khăn tại các thị trường. Theo đó, tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường. Đồng thời, xoay trục sản phẩm xuất khẩu. “Sụt giảm đơn hàng mảng này nhưng sẽ tăng đơn hàng mảng khác, do đó, dự báo, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2022 sẽ đạt mục tiêu đề ra”, ông Tiến nhận định.
Về phía Bộ, sẽ chủ động cùng Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường, cơ hội và thách thức; đánh giá tác động và tham mưu Thủ tướng Chính phủ có đối sách, kịch bản thích ứng với diễn biến cung – cầu nông lâm thủy sản trên thế giới, nhất là đối với mặt hàng lương thực thực phẩm. Tăng cường hợp tác quốc tế, tháo gỡ rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường xuất khẩu, hài hòa hóa tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế lĩnh vực an ninh lương thực.
“Cần tận dụng các lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy xuất khẩu, quảng bá thương hiệu, đẩy mạnh chế biến sâu, chủ động vùng nguyên liệu, chủ động thị trường để đạt được mục tiêu xuất khẩu mà Chính phủ đã đặt ra”, ông Phùng Đức Tiến cho biết.