Xuất khẩu rau quả ghi nhận bước ‘nhảy vọt’ thập kỷ qua

Xuất khẩu rau quả ghi nhận bước ‘nhảy vọt’ thập kỷ qua

So với con số 1,84 tỷ USD vào năm 2015, xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2024 đã có bước phát triển “nhảy vọt” trong một thập kỷ qua.

Bước nhảy vọt trong xuất khẩu rau quả

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam ghi nhận mức cao kỷ lục, đạt khoảng 7,12 tỷ USD trong năm 2024, tăng 27,1% so với năm 2023. Như vậy, so với con số 1,84 tỷ USD vào năm 2015, ngành hàng rau quả Việt Nam đã có bước phát triển “nhảy vọt” trong một thập kỷ qua.

Sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu mang về kim ngạch lớn nhất của ngành rau quả trong năm 2024
Sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu mang về kim ngạch lớn nhất của ngành rau quả trong năm 2024. (Ảnh: Ngọc Thạch)

Về thị trường xuất khẩu của ngành rau quả, Trung Quốc dẫn đầu áp đảo với tới 4,3 tỷ USD, chiếm hơn 60% trong toàn bộ các thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam và tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Đứng thứ hai là thị trường Hoa Kỳ, dù đã tăng 37%, nhưng cũng mới chỉ đạt 320 triệu USD. Hàn Quốc và Thái Lan là các thị trường ở vị trí lần lượt lớn thứ ba và thứ tư tiêu thụ rau quả từ Việt Nam.

Tại buổi gặp mặt báo chí diễn ra cuối tháng 12/2024, ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – thông tin, đây là năm đầu tiên, ngành rau quả đã chạm và vượt qua ngưỡng 7 tỷ USD. Cùng với việc khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc, sự chuyển đổi nhiều diện tích lúa kém hiệu quả, với chỉ đạo sản xuất rải vụ, đã tạo ra sự tăng trưởng vượt bậc của sản lượng các loại trái cây chủ lực, đã giúp xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong thời gian qua.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho hay, trong “bức tranh” chung của xuất khẩu rau quả 2024 đều ghi nhận sự tăng trưởng về kim ngạch đối với từng nhóm mặt hàng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tăng trưởng nhiều nhất là mặt hàng sầu riêng. Năm 2024, xuất khẩu mặt hàng này sẽ thu về trên 3,2 tỷ USD. Nhờ xuất khẩu sầu riêng tăng 1 tỷ USD so với năm ngoái đã đẩy kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành tăng trên 7 tỷ USD.

Xuất khẩu rau quả hướng đến 8 tỷ USD năm 2025

Theo các chuyên gia, ngành hàng rau quả Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc… Từ kết quả trên, ngành hàng rau quả Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng năm 2025 xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục ghi nhận mức cao kỷ lục mới, tốc độ tăng trưởng dự kiến trên 20% so với năm 2024.

Dự báo được đưa ra cho ngành hàng rau quả năm 2025 dựa trên nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này tăng trên thế giới. Bên cạnh đó, nhiều loại trái cây của Việt Nam đã khẳng định được vị thế tại các thị trường xuất khẩu, đồng thời một số chủng loại trái cây chủ lực dự kiến sẽ được cấp phép xuất khẩu vào các thị trường lớn.

Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dự kiến vào năm 2025, trái chanh leo của Việt Nam sẽ chính thức được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, chanh leo cũng là loại trái cây tươi thứ 5 của Việt Nam được chính thức xuất khẩu sang Australia.

Ông Đặng Phúc Nguyên nhận định, năm 2024, với những mặt hàng như chanh leo, bưởi, dừa tươi, sầu riêng đông lạnh, đây là những mặt hàng mới mở cửa ở một số thị trường, các doanh nghiệp còn đang loay hoay trong vấn đề xin mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, thiết lập quan hệ với các đối tác nước ngoài. Hay nói cách khác, hiện các doanh nghiệp đang trong quá trình chuẩn bị. Một số mặt hàng như trái bưởi, trái dừa đã xuất khẩu những chuyến hàng đầu tiên nhưng chưa nhiều. Năm 2025, những mặt hàng này mới có thể phát huy được lợi thế. Dự báo, năm 2025, xuất khẩu rau quả sẽ thu về 8 tỷ USD.

Tuy nhiên, xuất khẩu rau quả cũng đang đối diện với nhiều khó khăn khi các quốc gia tăng cường kiểm tra hàng hoá nhập khẩu. Đơn cử mới đây, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có thông báo gửi Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội Rau quả Việt Nam liên quan đến việc sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về tạm thời tăng cường kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý việc đưa một số hàng hóa nhất định từ một số nước thứ ba vào EU.

Theo đó, với sầu riêng của Việt Nam, EU tạm thời tăng tần suất kiểm tra tại biên giới từ 10% lên 20%. Với quả thanh long, ớt và đậu bắp, EU giữ nguyên tần suất kiểm tra tại biên giới. Trong đó, tần suất kiểm tra thanh long là 30%, ớt và đậu bắp cùng tần suất 50%. Ba sản phẩm này khi nhập khẩu vào thị trường EU phải kèm theo kết quả phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Để đầu ra cho sản phẩm ổn định, cùng với việc bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị, các doanh nghiệp rau quả Việt Nam cần đẩy mạnh khâu chế biến, tập trung vào chế biến sâu, vừa nâng cao giá trị gia tăng, vừa hạn chế rủi ro mùa vụ như xuất khẩu tươi.

“Hiện nay, sản lượng rau quả tươi được chế biến vẫn còn ít trong khi sản lượng thu hoạch hàng năm rất lớn. Đây được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng thấp tại các thị trường, khu vực thị trường có nhu cầu lớn về sản phẩm chế biến như châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc…”, Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh.

Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) – cho biết: Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Rau quả Việt Nam đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho rau quả Việt Nam, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Đức…

Nguyễn Hạnh

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí