(HQ Online) – Hết tháng 9 xuất khẩu của Việt Nam đạt 282,35 tỷ USD, tăng 17,2%, tương ứng tăng 41,46 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, theo thông tin Tổng cục Hải quan mới công bố.
Biểu đồ: T.Bình. |
Đóng góp 78% kim ngạch tăng thêm
Trong đó, 8 nhóm hàng đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cả nước (tăng từ 1 tỷ USD trở lên) lần lượt là: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 7,95 tỷ USD; dệt may tăng 5,57 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 5,2 tỷ USD; giày dép các loại tăng 4,86 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 4,07 tỷ USD; thủy sản tăng 2,31 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 1,26 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 1,14 tỷ USD.
Với 32,36 tỷ USD, 8 nhóm hàng trên chiếm đến 78% trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng thêm của cả nước.
Về thị trường, Hoa Kỳ là tiếp tục duy trì vị thế số 1 với 85,16 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 30,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Các thị trường lớn khác nằm ở châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Cụ thể, Trung Quốc đạt 41,22 tỷ USD, tăng 6,4%, chiếm tỷ trọng 14,6%; Hàn Quốc đạt 18,68 tỷ USD, tăng 16,8%, chiếm tỷ trọng 6,6%; Hàn Quốc với 17,84 tỷ USD, tăng 21,6%, chiếm tỷ trọng 6,3%.
Các nhóm hàng lớn xuất khẩu đến thị trường nào chủ yếu?
Dù không đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kim ngạch cả nước nhưng điện thoại các loại và linh kiện vẫn là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
9 tháng đầu năm xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 45,09 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Hoa Kỳ đạt 10,87 tỷ USD, tăng 11%; sang Trung Quốc đạt 10,07 tỷ USD, tăng 42,1%; sang EU đạt 5,15 tỷ USD, giảm 7,4%; sang Hàn Quốc đạt 4,26 tỷ USD, tăng 16,8%…
Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 41,85 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2021 là nhóm hàng lớn thứ hai.
Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Hoa Kỳ đạt 11,62 tỷ USD, tăng 24,7%; sang Trung Quốc đạt 8,88 tỷ USD, tăng 12,8%; sang EU đạt 5,45 tỷ USD, tăng 17,4%; sang thị trường Hồng Kông đạt 4,54 tỷ USD, tăng 2,5%; sang Hàn Quốc đạt 2,52 tỷ USD, giảm 1,4%…
Đứng thứ ba là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng với 34,2 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng xuất khẩu chủ yếu sang Hoa Kỳ với 15,1 tỷ USD, tăng 30,1%; EU với 4,52 tỷ USD, tăng 43,2%; Trung Quốc với 2,66 tỷ USD, tăng 39,8%; Hàn Quốc với 2,11 tỷ USD, tăng 14,4%…
Các nhóm hàng đáng chú ý khác như: dệt may đạt hơn 29 tỷ USD, tăng 23,8%. Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 13,87 tỷ USD, tăng 19,5%; sang EU đạt 3,36 tỷ USD, tăng 44,7%; Nhật Bản đạt 2,92 tỷ USD, tăng 27,9%; Hàn Quốc đạt 2,52 tỷ USD, tăng 20,3%…
Gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 12,28 tỷ USD, tăng 10,2%, các thị trường chủ yếu như: Hoa Kỳ với 6,82 tỷ USD, tăng nhẹ 1,9%; Trung Quốc với 1,62 tỷ USD, tăng 43,9%; Nhật Bản với 1,39 tỷ USD, tăng 34,1%; Hàn Quốc với 741 triệu USD, tăng 13,8%…
Sắt thép các loại đạt 6,46 triệu tấn, kim ngạch 6,51 tỷ USD, giảm 34,4% về lượng và giảm 22,6% về kim ngạch.
Sắt thép xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường: ASEAN với 2,68 triệu tấn, giảm 10,8%; EU với 1,27 triệu tấn, giảm 10%; Hoa Kỳ với 517 nghìn tấn, giảm 22%… Đặc biệt, xuất khẩu sắt thép các loại sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh 95,5% chỉ đạt 95 nghìn tấn.
Thủy sản đạt 8,49 tỷ USD, tăng 37,3%, xuất khẩu thủy sản chủ yếu sang các thị trường: Hoa Kỳ đạt 1,77 tỷ USD, tăng 21,8%; Nhật Bản đạt 1,27 tỷ USD, tăng 33%; Trung Quốc đạt 1,21 tỷ USD, tăng mạnh 85,4%; EU đạt 1,04 tỷ USD, tăng 40%…