Tồn kho cà phê Robusta trên Sở hàng hoá liên lục địa (ICE) ở mức thấp và lo ngại nắng nóng ảnh hưởng đến sản lượng tại Brazil đã tạo hỗ trợ kép lên giá.
Giá cà phê duy trì đà tăng |
Trong báo cáo kết phiên 10/12, tồn kho Robusta trên Sở Giao dịch Liên lục địa châu Âu (ICE-EU) ở mức 34.760 tấn, dần quay về mức thấp nhất lịch sử vào cuối tháng 8/2023, với 33.630 tấn. Đồng thời, dữ liệu từ Hải quan cho thấy, lũy kế xuất khẩu cà phê tại Việt Nam trong 11 tháng năm 2023 vẫn thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, lo ngại nắng nóng lan rộng sang vùng trồng cà phê chính của Brazil có thể làm giảm sản lượng cà phê trong niên vụ 2024/25 cũng góp phần thúc đẩy giá tăng.
Đà tăng của Arabica có phần chững hơn so với Robusta khi tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US tăng thêm khoảng 1.000 bao, đưa tổng lượng cà phê đang lưu trữ tạm thoát khỏi mức thấp nhất trong hơn 24 năm. Dữ liệu từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê (CECAFE) cho thấy, xuất khẩu cà phê dạng hạt trong tháng 11 tại quốc gia này vẫn tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (13/12), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ dao động trong khoảng 63.000 – 63.800 đồng/kg, tăng mạnh so với ngày hôm qua. Hai phiên đầu tuần đẩy thị trường trong nước tăng hơn 3.000 đồng/kg.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng mạnh trở lại trong tháng 11/2023 (Ảnh: Báo Đắk Lắk điện tử) |
Theo dữ liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, sau 7 tháng giảm liên tiếp, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng mạnh trở lại trong tháng 11/2023, đạt 119.297 tấn, tăng mạnh 172,8% so với tháng 10/2023. Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 11/2023 đạt 356,68 triệu USD, tăng 126,4% so với tháng 10/2023 và tăng 16,8% so với tháng 11/2022.
Lũy kế 11 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 1,42 triệu tấn tương ứng 3,64 tỷ USD, giảm 10,4% về khối lượng nhưng tăng 0,4% về giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2022.
Sau 8 tháng liên tiếp tăng, giá cà phê xuất khẩu bình quân trong tháng 11/2023 đã điều chỉnh giảm, đạt 2.990 USD/tấn, giảm 17% so với tháng trước, nhưng vẫn tăng mạnh 26,2% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 11 tháng năm 2023, giá xuất khẩu bình quân đạt 2.573 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022.
Về thị trường tiêu thụ, trong tháng 11, lượng cà phê xuất khẩu sang hầu hết thị trường chính đều tăng mạnh so với tháng trước.
Trong đó, Liên minh châu Âu (EU) tăng 3,6 lần lên 40.257 tấn; Mỹ tăng 5,8 lần lên 10.244 tấn. Đặc biệt thị trường Nga tăng gấp 10 lần lên 12.198 tấn, qua đó vượt qua thị trường Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu cà phê lớn thứ hai của Việt Nam trong tháng vừa qua.
Giá cà phê xuất khẩu được cho là sẽ duy trì ở mức cao, thậm chí có thể lập đỉnh mới trong năm 2024 do những lo ngại về nguồn cung cà phê toàn cầu.
Theo báo cáo của Bộ phận Nông nghiệp nước ngoài (FAS) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nguồn cung cà phê cà phê robusta cho thị trường tiêu thụ toàn cầu từ các nước sản xuất chính ở khu vực Đông Nam Á có khả năng giảm đã thúc đẩy các quỹ và đầu cơ quay lại thị trường kỳ hạn tăng mua, tuy với khối lượng chưa nhiều do sự thận trọng từ vấn đề lãi suất tiền tệ.
Tại Việt Nam, FAS ước tính sản lượng niên vụ 2023-2024 sẽ giảm xuống 27,8 triệu bao từ ước tính 31,3 triệu bao hồi tháng 5/2023 do thời tiết không thuận lợi. Ước tính tồn kho gối vụ chuyển sang giảm xuống chỉ còn 390.000 bao thay vì 2,76 triệu bao như ước tính trước đó.
FAS cũng dự báo tổng sản lượng cà phê của Indonesia niên vụ 2023-2024 sẽ giảm hơn 18% so với niên vụ 2022-2023 trước đó, xuống ở mức 9,7 triệu bao. Dự kiến Indonesia sẽ ưu tiên cà phê nguyên liệu cho ngành công nghiệp trong nước, chỉ dành cho xuất khẩu khoảng 5 triệu bao cà phê hạt, giảm tới 35% so với niên vụ trước.