Ý kiến từ người trong cuộc
Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cà phê đến nhiều thị trường trên thế giới, đón nhận thông tin về Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR) đã được Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu thông qua, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) không quá bất ngờ và lo lắng bởi doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị từ trước đó và trong khoảng thời gian không ngắn.
Sơ chế cà phê xuất khẩu |
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Đức Huy cho hay, năm 2012, chúng tôi là đơn vị đầu tiên hợp tác cùng với Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững IDH của Hà Lan trong thực hiện dự án phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng…
“Đã đến thời điểm chúng ta phải trả lại cho môi trường, trả lại tài nguyên cho đất”, ông Lê Đức Huy chia sẻ và cho biết, thông điệp bền vững mà chúng tôi đưa ra đã ăn sâu, bén rễ vào hệ thống 40 nghìn nông dân của chúng tôi. Không cạnh tranh với rừng mà còn mang rừng về cho vùng nguyên liệu, cách chúng tôi làm đó là trồng những cây che bóng, những cây chắn gió, những cây ăn trái để có được các vùng cảnh quan bền vững. Và khi cây cà phê được sống trong môi trường cảnh quan tốt thì trái sẽ ngon hơn, ngọt hơn và sẽ nhiều hàm đường trong trái, hương vị cũng thơm hơn.
Quy định mới của EU với Simexco Đắk Lắk và nhiều doanh nghiệp trồng cà phê khác ở Việt Nam bên cạnh thách thức còn là cơ hội bởi EUDR sẽ giúp cà phê Việt Nam có thể tăng được khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới so với các nước cũng trồng cà phê nhưng chưa có sự chuẩn bị về vấn đề này.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Lê Văn Đức – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho hay, diện tích cà phê trồng từ năm 2020 chủ yếu trồng xen với diện tích trồng cao su. Diện tích cà phê mà có nguy cơ rủi ro cao chỉ khoảng 13.000 ha (chiếm dưới 10% diện tích cà phê nằm trong nhóm có nguy cơ cao).
Sau khi phân tách được ranh giới rừng và đất nông nghiệp. Để truy xuất nguồn gốc, ông Lê Văn Đức cho rằng, những diện tích đã chứng nhận thì chỉ cần làm báo cáo bổ sung để đàm phán với EU. Vùng chưa có chứng nhận, chưa có mã số vùng trồng thì cần thực hiện đẩy nhanh việc thực hiện đăng ký và cấp mã số vùng trồng.
Doanh nghiệp, chuyên gia kiến nghị gì?
PGS.TS. Nguyễn Bá Ngãi, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội chủ rừng Việt Nam (VIFORA) nhận xét, quy định mới về chống phá rừng châu Âu (EUDR) mà châu Âu đưa ra không phải vì mục đích ngăn cản sản phẩm hàng hóa vào thị trường EU, mà họ mong muốn có được các sản phẩm sạch, đảm bảo hợp pháp và hướng tới sản xuất và thương mại bền vững. Do vậy, doanh nghiệp không nên xem đây là vấn đề thách thức mà cần xem đây là các vấn đề cần phải vượt qua.
“Rõ ràng, để đáp ứng việc này doanh nghiệp sẽ mất rất nhiều công sức và chi phí nhưng buộc phải làm thì mới có thể hòa nhập được vào thị trường quốc tế, khi đó, hàng hóa của Việt Nam mới có thể thâm nhập và có chỗ đứng tại thị trường EU”, PGS.TS. Nguyễn Bá Ngãi nhận định.
Trong khi các doanh nghiệp lớn đã có sự chuẩn bị từ trước thì với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các nông hộ nhỏ và các cộng đồng dễ bị tổn thương sẽ gặp không ít lúng túng để thực hiện quy định EUDR khi thời điểm mà các doanh nghiệp phải áp dụng đang đến rất gần.
Thách thức cũng là cơ hội để chúng ta khẳng định thương hiệu cà phê Việt Nam |
Đối với ngành hàng cà phê, TS. Nguyễn Phú Hùng – Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Lâm Nghiệp Việt Nam, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu EU làm rõ các nội dung cần giải trình theo yêu cầu của EU trong điều kiện cụ thể tại Việt Nam khi phần lớn người trồng cà phê là các gia đình nhỏ lẻ.
Đồng thời, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản yêu cầu EU có chính sách hỗ trợ người dân trồng cà phê, trồng rừng chuẩn bị xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thực hiện trách nhiệm giải trình cũng như có thể đàm phán với EU thực hiện việc trì hoãn thực thi để các hộ gia đình trồng cà phê và trồng rừng có thể đáp ứng được với yêu cầu mà EU đề ra.
Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tổ chức Quốc tế từ EU hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn trước mắt là người trồng cà phê về các nội dung EU yêu cầu và trong dài hạn các hộ gia đình trồng rừng có gỗ bán cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu các sản phẩm sang EU.
Về phía doanh nghiệp, ông Lê Đức Huy nhận định, thách thức cũng là cơ hội để chúng ta khẳng định thương hiệu cà phê Việt Nam. Simexco Đắk Lắk sẽ rà soát 40 nghìn nông dân trồng cà phê cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp để đáp ứng theo yêu cầu mới của thị trường xuất khẩu.
Dù vậy, với quy định mới trên, ông Lê Đức Huy cho rằng cơ quan chức năng của Việt Nam cần phải theo dõi kỹ các yêu cầu từ thị trường EU cũng như các đối tác nhập khẩu lớn để quy hoạch vùng nguyên liệu theo hướng bền vững, tuyệt đối không phát triển mới vùng sản xuất cà phê ở các vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái.
Cần có hệ thống bản đồ hiện trạng rừng chính xác để xác định rõ, tránh sự mơ hồ, từ đó doanh nghiệp có cơ sở để thực hiện quy định này của thị trường EU. Đồng thời, cần đẩy mạnh truyền thông để người dân không trồng cà phê trên đất phá rừng.
Đáp ứng được các tiêu chuẩn sẽ giúp nâng cao giá trị của hạt cà phê Việt Nam gấp nhiều lần, đồng thời gia tăng thu nhập cho bà con nông dân, không còn thấp thỏm lo “được mùa, mất giá”.
Ông Nguyễn Văn Thảo – Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Bỉ và EU nhận định, với một loạt các chính sách của EU đang ban hành và sắp ban hành sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Do vậy, về phía cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có những nghiên cứu, chuẩn bị và kiến nghị để có những điều chỉnh chính sách cho phù hợp, tránh tình trạng EU áp dụng rồi, khi đó chúng ta mới sửa chính sách thì rất khó.
Ông Trần Thanh Hải – Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): Gỗ là mặt hàng nhạy cảm về nguồn gốc xuất xứ, nhất là EU ban hành đạo luật chống mất rừng và chống suy thoái rừng (EUDR – EU Deforestation-free Regulation). Nói cách khác, họ không chấp nhận sản phẩm gỗ có sử dụng nguyên liệu từ phá rừng hay trồng trên đất phá rừng. Rừng chúng ta đã phá và trồng lại thì hiện nay EU cũng không chấp nhận. Giống như hải sản bị EU cảnh báo “thẻ vàng” IUU, dù đã nỗ lực tháo gỡ, nhưng qua 5 năm, chúng ta vẫn chưa gỡ được. Do đó, vấn đề nguồn gốc nguyên liệu, các doanh nghiệp xuất khẩu cần hết sức lưu ý. |
Bài 3: Minh bạch để nông lâm sản Việt tiến sâu vào thị trường EU