Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
Sau 6 năm tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan, mới có 19 doanh nghiệp đưa được hàng vào hệ thống siêu thị theo đường chính ngạch. Hay theo chia sẻ của doanh nghiệp, khi muốn đưa sản phẩm vào AEON, phía nhà nhập khẩu muốn nhập khẩu dưới danh nghĩa của họ. Bà đánh giá như thế nào về việc này?
Qua 6 năm triển khai Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan, các doanh nghiệp đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng được hình ảnh, giới thiệu hàng hóa cũng như mẫu mã bao bì phù hợp với thị hiếu của người dân Thái Lan và người dân trên thế giới.
Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan 2023 thu hút đông đảo khách hàng Thái Lan và quốc tế |
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng tập trung đến phân khúc hàng hóa tốt cho sức khỏe cũng như hướng tới tiêu dùng bền vững, tiêu dùng xanh nhằm bắt kịp với xu thế tiêu dùng của thị trường Thái Lan cũng như trên toàn cầu.
Theo tôi, việc này chúng ta cần làm chiến dịch nâng cấp dần từng bước. Đầu tiên là đưa được hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Bước tiếp theo đó là gia công hàng hóa dưới các thương hiệu của họ. Qua việc này, các doanh nghiệp Việt Nam biết được chất lượng và phương thức sản xuất hàng hóa với bao bì như thế nào để phù hợp với người tiêu dùng.
Thêm vào đó, doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư nhiều hơn vào việc xây dựng nhãn hàng riêng của mình. Từ đó, xây dựng thương hiệu riêng để đưa vào hệ thống siêu thị của doanh nghiệp FDI.
Việc này là cần thiết, nhất là trong bối cảnh Việt Nam chưa quen với việc xuất khẩu hàng hóa vào trong hệ thống phân phối nước ngoài, đặc biệt là với đơn hàng cực kỳ lớn.
Hiện cách thức tổ chức sản xuất cũng như sự đầu tư về công nghệ nhằm tận dụng được tiềm năng cũng như năng lực của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn.
Hiện chỉ có các doanh nghiệp lớn mới đưa được nhiều hàng chính ngạch vào hệ thống phân phối của Central Retail, ví dụ như cà phê Trung Nguyên, Vinamilk… Còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải lớn dần và cần có những nguồn vốn riêng biệt cho khu vực doanh nghiệp này. Làm sao để họ lớn mạnh được và đáp ứng được đơn hàng cả về chất lượng và số lượng cũng như bao bì, mẫu mã.
Một số doanh nghiệp chia sẻ, mặc dù hàng hóa của họ đã được lựa chọn nhưng doanh nghiệp vướng về quy trình thủ tục và chi phí logistics cao. Các Bộ, ngành, địa phương có chính sách hỗ trợ gì cho các doanh nghiệp này không, thưa bà?
Chúng tôi là đơn vị luôn tiên phong trong công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đàm phán, mở cửa để cho các hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam vào được hệ thống phân phối của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng như xuất khẩu, nhưng để hỗ trợ các thủ tục như chứng nhận, giấy tờ, xuất xứ hàng hóa, bao bì, mẫu mã thì cần sự chung tay của các Bộ, ngành. Ví dụ như, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Bà Lê Việt Nga – Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) |
Việc chung tay của các Bộ, ngành khác sẽ hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp, để các doanh nghiệp có thể đáp ứng được những yêu cầu đặt ra khá cao, nhất là các tiêu chuẩn kỹ thuật tại các thị trường khó tính.
Sản phẩm xanh hiện đang là xu hướng và ngay cả tại thị trường Thái Lan – một thị trường chưa phải là rất khó tính. Tuy nhiên, với các thị trường cao cấp hơn như Nhật Bản, EU… bà đánh giá như thế nào về năng lực của doanh nghiệp Việt trong việc đáp ứng yêu cầu này?
Để có thể đưa hàng hóa Việt Nam vượt qua “rào cản xanh” hiện nay đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của nhiều bên liên quan, vì đây là xu hướng tiêu dùng tất yếu của thị trường trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam.
Để đạt được việc này thì cần phải đi từ ngay khâu sản xuất. Tuy nhiên, việc chứng nhận các chứng chỉ xanh hiện nay tại Việt Nam mới được thực hiện bởi các tổ chức quốc tế đánh giá tại Việt Nam phù hợp cho thị trường nước họ yêu cầu.
Do đó, thông tin cần phải được lan tỏa nhiều hơn đến tất cả các doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn, về cách thức làm thế nào để có được chứng nhận xanh vào các hệ thống phân phối khác nhau trên toàn cầu.
Việc này cần sự chung tay từ phía các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tổ chức tập huấn, truyền thông cho doanh nghiệp.
Còn việc đầu tư để chuyển đổi như thế nào thì đây là câu chuyện nội tại của chính chúng ta. Làm thế nào để các doanh nghiệp chịu tuân thủ những việc này không phải là điều dễ dàng. Chúng ta đã nhìn thấy việc chuyển đổi bao bì mẫu mã trong hệ thống phân phối bán lẻ gần 10 năm nay, nhưng việc thay thế túi ni lông vẫn còn đang rất chậm.
Thêm nữa, các doanh nghiệp sản xuất còn đang rất chậm trong việc chuyển đổi vỏ bao bì, từ những bao bì dễ dàng phân hủy đến các bao bì dễ tái chế… Việc này cần thời gian dài lâu hơn nữa.
Như hiện nay, tại Việt Nam, mới dừng ở việc thu hồi, tái chế mà chưa nâng cấp được lên bao bì thân thiện môi trường. Do đó, cần có sự tính toán để khuyến khích doanh nghiệp sử dụng các bao bì mẫu mã tốt cho môi trường.
Tiêu dùng xanh là xu hướng bắt buộc. Vậy chúng ta đã có chiến lược gì để thúc đẩy vấn đề tiêu dùng xanh chưa, thưa bà?
Hiện, Bộ Công Thương đã có chương trình hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 của Thủ tướng Chính phủ và đã phân công cho các đơn vị thuộc Bộ làm việc này.
Các sản phẩm làm từ chất liệu thân thiện với môi trường luôn nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng |
Với Vụ thị trường trong nước, chúng tôi luôn hỗ trợ, khuyến khích cũng như kết nối, quảng bá, truyền thông cho sản phẩm thân thiện với môi trường, phù hợp với xu hướng tiêu dùng xanh.
Trước mắt, chúng tôi giới thiệu các sản phẩm này trong hệ thống phân phối hiện đại như các siêu thị, trung tâm thương mại, các nhà mua hàng lớn cho cộng đồng người dân và người tiêu dùng biết thế nào là tiêu dùng xanh và sản phẩm xanh.
Hiện, với nhóm hàng của ngành Công Thương đang tập trung vào dệt may, năng lượng xanh, da giày,…
Bộ Công Thương là một trong những Bộ tiên phong về tiêu dùng xanh khi chúng tôi đã có hơn 10 năm làm chuyển đổi nhiên liệu sinh học. Xăng E5 đã được dùng rất quen thuộc trên thị trường Việt Nam và 100% cây xăng trên địa bàn Việt Nam đều có sản phẩm xăng E5.
Ngành Công Thương cũng là ngành tiếp cận sớm nhất và đi nhanh nhất, đặc biệt là trong nhóm ngành hàng tiêu dùng. Chúng tôi cũng mong các Bộ, ngành khác sẽ cùng đồng hành, hỗ trợ để có thể tổ chức được hệ thống phân phối với tỷ lệ sản phẩm xanh ngày càng tăng trên thị trường.
Xin cảm ơn bà!
Trong bối cảnh thị trường trong và ngoài nước đòi hỏi ngày càng cao, cần có những giải pháp quyết liệt hơn để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên những nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững.. |