Sáng 21/4, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội nghị “Hành trình Việt Nam trở thành nhà cung cấp hồ tiêu và gia vị bền vững”.
Toàn cảnh Hội thảo |
Hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện Bộ Công Thương, đại diện các địa phương có vùng nguyên liệu cây gia vị, đại diện các tổ chức hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững như Tổ chức IDH Hà Lan, Sippo, CRED Thuỵ Sỹ… cùng với sự tham gia đông đảo của doanh nghiệp chế biến, sản xuất và xuất khẩu nông sản, gia vị Việt Nam.
Theo báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, quý I/2023, Việt Nam xuất khẩu được 76.727 tấn hồ tiêu, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 235,9 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu tăng 40,5% tương đương 22.112 tấn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu giảm 7,3% tương đương 18,5 triệu USD.
Quý I/2023, Việt Nam xuất khẩu được 18.685 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 54,8 triệu USD, tăng 45,8% về lượng và 13,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Quý I/2023, Việt Nam xuất khẩu được 3.369 tấn hồi, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 21,6 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu tăng 261,9%.
Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu gia vị lớn trên thế giới, trong đó xuất khẩu chiếm khoảng 11% thị phần toàn cầu năm 2022 (theo ITC), trong đó phải kể đến vị trí hàng đầu, chiếm thị phần nhập khẩu lớn tại các thị trường Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông của một số gia vị Việt Nam như hồ tiêu, quế và hồi…
Gầy đây, các thị trường nhập khẩu liên tục có những cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như gia tăng tần suất kiểm soát và siết chặt quy định MRLs đối với thực phẩm nói chung bao gồm cả gia vị của Việt Nam. Do đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin về tình hình thị trường và ngành hàng, nắm rõ quy định của cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam cũng như các quy định của nước nhập khẩu là hết sức cần thiết.
Ông Nguyễn Văn Diện – Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất Lâm nghiệp – Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, tạo ra những mặt hàng gia vị quế, hồ tiêu, hồi đứng Top 5 thế giới. Trong những năm qua, ngành gia vị đã có những đóng góp quan trọng trong bức tranh chung của kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Đặc biệt hơn nữa là ngành hàng này gắn bó với hơn 1 triệu hộ nông dân sản xuất nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, hành trình để đạt mục tiêu là nơi cung cấp gia vị tốt cho thế giới là rất gian nan. Bởi diện tích sản xuất hiện nay manh mún, sản xuất nhỏ, liên kết còn hạn chế nên để tạo vùng nguyên liệu theo đúng nghĩa rất khó. Bên cạnh đó là việc đáp ứng yêu cầu về chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại các thị trường xuất khẩu.
Đồng quan điểm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Quyên – đại diện Tổ chức IDH Việt Nam – đánh giá, thách thức lớn nhất đối với xuất khẩu hồ tiêu là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, còn với xuất khẩu quế là dư lượng kim loại nặng. Ngoài ra, là các thách thức liên quan tới môi trường như giảm phát thải carbon, khuyến khích mô hình canh tác bền vững, mô hình trồng xen một cách bền vững… Ngoài ra là các thách thức về xã hội như lao động trẻ em, lao động bình đẳng giới.
Bà Hoàng Thị Liên – Chủ tich Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam – nhận định, hiện Việt Nam đứng thứ nhất về tỷ trọng xuất khẩu và sản lượng xuất khẩu hồ tiêu, dù vậy, dư địa để phát triển và khai thác thêm cho cây hồ tiêu vẫn còn.
Bởi lẽ, hiện Việt Nam đã và đang hội nhập toàn cầu, với nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, trong đó, khi các FTA đi vào thực thi thì nhóm hàng nông sản trong đó nhóm hàng cây gia vị có lợi thế so sánh tuyệt đối trong thị trường gia vị toàn cầu, nguyên nhân do chúng ta có lợi thế về vị trí địa lý, thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng đất đai.
Dù đạt được những kết quả cũng như lợi thế nhất định, tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường thế giới hiện nay, ngành hàng gia vị nói chung và hồ tiêu nói riêng không chỉ chịu tác động bởi yếu tố cung và cầu mà còn chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác như các yếu tố địa chính trị có thể là nguyên nhân chính tiếp tục gây ra những bất ổn.
Các yêu cầu và quy định khắt khe của thị trường nhập khẩu về rào cản phi thuế quan tiếp tục gia tăng, đặc biệt các vấn đề liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (liên quan đến hồ tiêu) và kim loại nặng (liên quan đến cây quế). Diễn biến khó lường của biển đổi khí hậu sẽ là thách thức chính đối với ngành nông nghiệp trên toàn cầu. Các loại chi phí gia tăng sẽ tác động lớn đến nguồn cung.
Bà Hoàng Thị Liên nhận định, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng hồ tiêu và cây gia vị đạt hơn 1,4 tỷ USD, đóng góp vào con số hơn 55 USD tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản toàn năm 2022.
Là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu đứng thứ nhất thế giới, và đứng thứ hai thế giới đối với cây quế. Tuy nhiên, nội tại ngành vẫn còn nhiều tồn tại, như thiếu vai trò trung gian cầu nối giữa khối tư và khối công, giữa nhà nước và doanh nghiệp và thiếu vắng vai trò của Hiệp hội; thiếu nghiên cứu thị trường, thiếu kết nối giữa doanh nghiệp với nông dân, nông dân và nhà chế biến;….
Bà Hoàng Thị Liên chia sẻ, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gia vị bền vững, đa gia vị chứ không chỉ dừng ở cây tiêu và quế, tạo sức mạnh tổng hợp, định vị là quốc gia cây gia vị trên thị trường thế giới, hướng đến mục tiêu xuất khẩu toàn ngành đạt trên 2 tỷ USD trong 3 năm tới.
Ngành hàng hồ tiêu và cây gia vị cũng đặt mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai. Việc này đòi hỏi toàn bộ các thành viên trong toàn chuỗi phải đi cùng nhau và bắt buộc phải đi cùng nhau, cùng với đó là việc xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng này.