(HQ Online) – Ưu thế lớn trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực giúp doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt con số xuất siêu lớn.
Biểu đồ: Thái Bình |
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan mới công bố cho thấy, nửa đầu tháng 10 (1-15/10), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI đạt 10,45 tỷ USD, giảm 20,5%, tương ứng giảm 2,69 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 9/2022.
Dù vậy, tính chung từ đầu năm đến hết ngày 15/10, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp FDI vẫn đạt tăng trưởng cao 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đến 15/10, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 218,7 tỷ USD, chiếm 73,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Các doanh nghiệp FDI có ưu thế lớn trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, nhất là về lĩnh vực điện tử.
Điển hình như trong 2 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, các doanh nghiệp FDI đóng góp tỷ trọng lần lượt là 99,7% và 98,32%.
Chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 10 đạt gần 8,9 tỷ USD, giảm 8,2% (tương ứng giảm 793 triệu USD) so với kỳ 2 tháng 9/2022. Tính chung từ đầu năm đến hết ngày 15/10, kim ngạch nhập khẩu đạt 188,5 tỷ USD, tăng 12% (tương ứng tăng 20,27 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 65,2% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Như vậy, từ đầu năm đến 15/10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 407,21 tỷ USD, tăng 14,9% (tương ứng tăng 52,92 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Về cán cân thương mại, doanh nghiệp FDI xuất siêu 30,2 tỷ USD.