Doanh nghiệp kỳ vọng xuất khẩu khởi sắc những tháng cuối năm

Doanh nghiệp kỳ vọng xuất khẩu khởi sắc những tháng cuối năm

Các doanh nghiệp cho rằng thị trường xuất khẩu những tháng cuối năm 2023 vẫn khó khăn, tuy nhiên, kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn, làm nền tảng cho xuất khẩu 2024.

Xuất khẩu còn nhiều khó khăn

7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 195,42 tỷ USD, giảm 10,3% so với cùng kỳ 2022. Tổng cầu thế giới giảm, doanh nghiệp gặp khó trong tìm kiếm đơn hàng, tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, những tháng cuối năm 2023 xuất khẩu vẫn có những cơ hội để khởi sắc làm nền tảng tích cực cho xuất khẩu năm 2024.

Doanh nghiệp kỳ vọng xuất khẩu khởi sắc những tháng cuối năm
Kim ngạch xuất khẩu tại công ty Hương Quế trong 7 tháng đầu năm 2023 giảm 30% so với cùng kỳ 2022

Ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Công ty TNHH TM- CB- XNK Hương Quế cho biết: xuất khẩu từ cuối quý II/2023 đến nay chững lại ở tất cả các thị trường. Sức mua ở thị trường xuất khẩu tụt giảm khoảng 30%. Theo ông Sơn, thị trường xuất khẩu chính của đơn vị là Đức. Tuy nhiên, lạm phát cao kéo dài tại thị trường này đã khiến sức mua giảm mạnh. “Đối tác truyền thống vẫn lựa chọn chúng tôi hợp tác nhưng giảm số lượng do sức mua chững lại. Ví dụ trước lấy 10 sản phẩm thì giờ nhập 6 sản phẩm thôi. Dù dự báo tình hình khó khăn sẽ vẫn còn kéo dài, nhưng chúng tôi vẫn kỳ vọng sẽ ký được một số đơn hàng trong những tháng cuối năm 2023 để mở đầu cho sản xuất năm 2024”, ông Sơn cho hay.

Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản TP. Đà Nẵng có hơn 50 thành viên là các công ty sản xuất, chế biến, xuất khẩu đồ gỗ tại tỉnh Thừa Thiên Huế, TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam xuất khẩu chính sang thị trường Mỹ và Châu Âu. Ông Nguyễn Đức Huy – Chủ tịch Hiệp hội cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng của kinh tế thế giới, lạm phát tại nhiều quốc gia xuất khẩu, thị trường giảm sút rõ rệt. Dù có một số tín hiệu khởi sắc nhưng hiện các doanh nghiệp của hiệp hội vẫn rất khó khăn và tình hình này có thể kéo sang đầu năm 2024.

Doanh nghiệp kỳ vọng xuất khẩu khởi sắc những tháng cuối năm
Doanh nghiệp xuất khẩu còn nhiều khó khăn dự báo kéo dài sang năm 2024

Theo ông Lê Hoàng Khánh Nhựt – Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC), trong điều kiện rất khó khăn khi lạm phát tăng, sức mua toàn cầu giảm, 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của DRC vẫn đạt khoảng 70 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ 2022. Trong những tháng cuối năm, với những tín hiệu như lãi suất tại các thị trường có thể giảm nhẹ hoặc chững lại, lạm phát được kiểm soát…, DRC có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường khó khăn nhất hiện nay là Hoa Kỳ, với mong muốn kết thúc năm 2023, tăng trưởng vào thị trường này sẽ tăng 20 – 25% so với năm 2022.

Kỳ vọng khởi sắc

Tổng Giám đốc DRC cho hay, trong tổng doanh số xuất khẩu của DRC, thị trường châu Mỹ chiếm 40 – 45%, thị trường Châu Á chiếm 20 – 30%, còn lại là ở các thị trường khác. Dù xuất khẩu hiện nay khó khăn là thật, thì cơ hội tăng trưởng cho xuất khẩu vẫn không thiếu. Vấn đề là doanh nghiệp tìm kiếm, tận dụng cơ hội thế nào và sự hỗ trợ của các sở ban ngành ra sao. DRC mong muốn Bộ Công Thương, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại, hợp tác giữa các quốc gia. Đặc biệt là xem xét ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín, doanh nghiệp mang thương hiệu quốc gia.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn thì động lực xuất nhập khẩu rõ ràng chịu ảnh hưởng khách quan và có sự sụt giảm do tổng cầu thị trường thế giới giảm. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, tổng cầu của thế giới có dấu hiệu phục hồi và lạm phát các quốc gia dự báo đã ở đỉnh nên chỉ giảm, điều này dẫn tới sẽ giúp thương mại phục hồi, việc làm tăng lên, đơn hàng nhiều lên thì sức mua, tiêu dùng sẽ được phục hồi thì các trụ cột sẽ phục hồi.

Vì vậy, có cơ sở để kỳ vọng những tháng cuối năm cộng đồng doanh nghiệp có thể “dễ thở” hơn, và kinh tế có nhiều cơ hội trong tăng trưởng.

Doanh nghiệp kỳ vọng xuất khẩu khởi sắc những tháng cuối năm
Lạm phát tại các thị trường xuất khẩu được kiểm soát và với các hỗ trợ từ Bộ Công Thương, doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng có thể khởi sắc tích cực hơn trong những tháng cuối năm 2023

Theo ông Quang, thời gian tới, cầu của thị trường thế giới phục hồi, các chính sách nới lỏng tiền tệ ở các quốc gia sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu có cơ hội khôi phục. Đặc biệt là ở các thị trường lớn như Mỹ, EU nhu cầu những tháng tiêu cùng cuối năm tăng. Đối với doanh nghiệp, đây là giai đoạn còn rất nhiều khó khăn, bởi sau dịch bệnh sức chống chịu của doanh nghiệp giảm, chịu ảnh ảnh từ những mặt trái của các chính sách chung ổn định vĩ mô (siết cho vay, tăng lãi suất), độ trễ chính sách, lãi suất huy động đã giảm nhưng lãi suất cho vay vẫn chưa giảm tương ứng…. Tuy nhiên, trong thời gian tới, có khả năng lãi suất cho vay giảm nhanh hơn so với lãi suất huy động, thì doanh nghiệp sẽ được tiếp cận vốn với chi phí thấp hơn, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ được cải thiện.

Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng, Bộ Công Thương đã có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường có FTA. Đại diện VCCI cũng kiến nghị, trong giai đoạn này cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận thị trường, đa dạng hóa thị trường, đặc biệt là tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận thị trường có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đưa hàng Việt ra thế giới. Đồng thời, đề xuất Bộ sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu. Điển hình như cải thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cần phải được đẩy nhanh thời gian cho doanh nghiệp, ứng dụng trực tuyến triệt để. Bởi hiện nay vẫn còn một số doanh nghiệp phản ánh thời gian thực hiện thủ tục còn dài, còn yêu cầu doanh nghiệp thêm các giấy tờ khác.

Vũ Lê

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí