Đây là chia sẻ của ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến tại tọa đàm: “Đầu tư và thương mại quốc tế trong thế giới đầy biến động: Doanh nghiệp cần làm gì?” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức vào chiều 8/5.
Toàn cảnh tọa đàm |
“Có thể nói dưới những tác động của kinh tế thế giới, cộng đồng doanh nghiệp đang ở giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi đổi mới”, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VIAC – chia sẻ và dẫn chứng, tăng trưởng kinh tế quý I/2023 chỉ đạt hơn 3%, mức độ rất thấp, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế suy giảm.
Số doanh nghiệp rời thị trường nhiều hơn số doanh nghiệp ra đời. Các doanh nghiệp đang hoạt động phải thu hẹp quy mô, giảm hiệu suất kinh doanh, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, khả năng thanh khoản yếu, tiếp cận tín dụng rất khó khăn.
Khu vực tư nhân suy yếu, xuất khẩu khó khăn, đó là những dấu hiệu không vui cho tình hình kinh tế ở Việt Nam, đặc biệt trong 2 tháng đầu năm 2023.
Bước sang cuối tháng 3, đầu tháng 4 tín hiệu đã lạc quan hơn, số lượng doanh nghiệp đã tăng trưởng trở lại và đặt ra nhiều hy vọng vào quý III và quý IV/2023. Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc này còn tùy thuộc rất nhiều vào diễn biến của thị trường thế giới.
Tại tọa đàm, nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện đang có nhiều thách thức như: Nhu cầu đang giảm nhanh, thị trường khó đoán định, cùng đó là tình hình lạm phát toàn cầu dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao… Việc huy động vốn của doanh nghiệp đang gặp khó, từ tín dụng đến trái phiếu doanh nghiệp… sẽ là những tác động không nhỏ đến cộng đồng doanh nghiệp.
Trong bối cảnh doanh nghiệp đang đối diện với nhiều khó khăn, các chuyên gia nhận định, những rủi ro thương mại quốc tế, tranh chấp đến từ khách hàng nước ngoài đang là những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp xuất khẩu. “Chưa bao giờ tính an toàn của doanh nghiệp được đặt lên cao như thế này. Do đó, cần nâng cao nội lực, nâng cao năng lực pháp lý, phòng ngừa các tranh chấp.”, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến – cho hay, trước những khó khăn từ thị trường, các doanh nghiệp đang tìm mọi giải pháp nhằm đa dạng hóa thị trường, tuy nhiên đã xuất hiện nhiều phức tạp mới.
Đầu tiên là phương thức thanh toán, trong bối cảnh thị trường khó khăn, các đối tác quốc tế luôn gây áp lực, không còn đàm phán bình đẳng, thậm chí họ cũng không sử dụng phương thức thanh toán an toàn như L/C, mà yêu cầu thanh toán bằng chuyển tiền thanh toán với độ trễ từ 30 – 60 ngày, thậm chí đòi thanh toán chậm lên tới 90 ngày, tạo ra rủi ro cực lớn.
Khó khăn thứ hai là các thị trường thường dựng lên các hàng rào kỹ thuật một cách bất ngờ, ngay khi thấy lượng hàng xuất khẩu của nước ta tăng đột biến. Cùng với đó, các đối tác tại thị trường phát triển như EU luôn đòi hỏi những yêu cầu khắt khe, kể cả khi doanh nghiệp Việt Nam chưa thể áp dụng do pháp luật chưa quy định thì các đối tác nước ngoài vẫn cắt đơn hàng…
“Trong bối cảnh hội nhập, bên cạnh việc nâng cao năng lực quản trị thì doanh nghiệp cần nâng cao năng lực pháp lý, phòng ngừa rủi ro và giải quyết tranh chấp”, ông Nguyễn Vân – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) – chia sẻ, đồng thời khuyến nghị các doanh nghiệp cần lưu ý đến vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp.
Theo đó, cùng với chức năng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường, Hiệp hội còn là đầu mối để tập hợp những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, tham gia vào việc tư vấn chính sách, pháp luật và hỗ trợ giải quyết các tranh chấp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp.
“Như HANSIBA, ngay từ khi thành lập, Hiệp hội đã có Ban Pháp chế trực thuộc Ban Điều hành Hiệp hội, thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn, chia sẻ kiến thức pháp luật, phổ biến thông tin về luật pháp kinh tế quốc tế, cùng những Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết và tham gia”, ông Nguyễn Vân nói.
Việt Nam là nên kinh tế có độ mở rất cao. Do đó, những biến động của nền kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế trong nước.
Với những khó khăn này, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc hỗ trợ các vấn đề về tư vấn pháp lý, tăng cường kỹ năng phòng ngừa và giải quyết tranh chấp có hiệu quả là hết sức cần thiết.
“Nhiều nước trên thế giới, các doanh nghiệp cố gắng thương lượng, nếu không được thì đưa ra tòa. Trong đó, các phương thức bằng trọng tài, hòa giải, là phương thức được lựa chọn đầu tiên”, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Trước bối cảnh nhiều biến động và tiềm ẩn nguy cơ thách thức của kinh tế thế giới, các chuyên gia cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần tìm hiểu rõ các thuận lợi, khó khăn để có kế hoạch, chiến lược cụ thể là cần thiết. Đầu tư có trách nhiệm với xã hội trên nguyên tắc hỗ trợ giữa các bên liên quan, bình đẳng và cùng chia sẻ lợi ích.
HANSIBA rất vinh dự được cùng 19 tổ chức Hội, Hiệp hội cùng tham gia ký kết MoU với VIAC. Đây là cơ hội, cũng là điều kiện tốt để HANSIBA có thêm sự hỗ trợ, đồng hành với các DN hội viên từ Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). |
Trong khuôn khổ Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam 2023 (VAW2023) đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VIAC và 19 hiệp hội ngành hàng và hiệp hội địa phương tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Theo đó, VIAC và các hiệp hội sẽ hợp tác trong các vấn đề về hỗ trợ trợ pháp lý, tham gia giải quyết các khiếu nại, tranh chấp trong thực hiện hợp đồng; phối hợp thực hiện phản biện, góp ý kiến về pháp luật; phối hợp hợp tổ chức các hội thảo, tọa đàm, tập huấn trao đổi kinh nghiệm; xử lý rủi ro, tranh chấp về hợp đồng…