Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dù chưa hết 6 tháng, xuất khẩu rau quả đạt gần 2,8 tỷ USD, tăng hơn 63% so với cùng kỳ và gần bằng kim ngạch xuất cả năm ngoái. Riêng tháng 6/2023, xuất khẩu đạt trên 723 triệu USD, tăng hơn 79% so với cùng kỳ 2022.
Sầu riêng chính thức vượt thanh long, trở thành sản phẩm mang lại trị giá lớn nhất trong các mặt hàng rau quả của việt Nam |
Trong nhóm trái cây xuất khẩu, sầu riêng là mặt hàng có mức tăng mạnh nhất. Theo đó, trong tháng 5/2023, trị giá xuất khẩu sầu riêng đạt mức cao nhất từ trước tới nay, với 332 triệu USD, gấp hơn 10 lần so với tháng trước. Tính chung, 5 tháng năm 2023, xuất khẩu quả sầu riêng đạt hơn 503 triệu USD, gấp hơn 18 lần so với cùng kỳ năm trước (27,6 triệu USD).
Trong đó, xuất khẩu quả sầu riêng sang Trung Quốc lên tới 477 triệu USD, chiếm 95% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Như vậy, sầu riêng chính thức vượt thanh long, trở thành sản phẩm mang lại trị giá lớn nhất trong các mặt hàng rau quả của việt Nam.
Trong Top 10 thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam thì Trung Quốc dẫn đầu với gần 63,5% thị phần, tăng hơn 12,4% so cùng kỳ năm ngoái (kim ngạch đạt gần 1,3 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm). Tiếp đến là thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan đều tăng trưởng tốt, chỉ riêng thị trường Hoa Kỳ giảm 12% so với cùng kỳ.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – nhận định, đây là năm mà kim ngạch xuất khẩu rau quả có mức tăng trưởng đột biến và có thể lập kỷ lục từ trước tới nay. Dự báo, xuất khẩu rau quả có thể cán đích 4 tỷ USD.
Theo các doanh nghiệp, rau quả Việt xuất khẩu tăng cao nhờ Trung Quốc tăng thu mua. Đặc biệt, các Nghị định thư đã ký với nước này trong năm ngoái đã giúp hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam có nhiều thuận lợi. Năm nay, dù Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng Việt chất lượng ngày càng cao, giá cạnh tranh nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Ông Nguyễn Đình Tùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam – nhận định, hiện tại, nhiều loại trái cây Việt Nam bước vào vụ thu hoạch và có đặc tính rải ra nhiều vụ nên rau quả năm nay được đánh giá còn nhiều dư địa để xuất khẩu.
Đặc biệt, vú sữa, chôm chôm gần như có thể xuất khẩu quanh năm theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, do đó, giá bán cũng cao gấp nhiều lần trước đó. Chỉ riêng 5 loại trái cây gồm thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn, diện tích cho thu hoạch ở nhiều vụ đã chiếm trên 62% tổng diện tích thu hoạch.
Dù xuất khẩu đang khá thuận lợi, tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, yêu cầu của các thị trường quốc tế ngày càng yêu cầu cao, trong đó, các thị trường lân cận Hoa Kỳ, EU đang phát triển thêm các loại nông sản nhiệt đới nên khả năng cạnh tranh rất cao. Do đó, nông sản Việt ngoài đảm bảo chất lượng cần hướng đến phát triển chế biến công nghệ hiện đại, phù hợp với quy mô nhỏ, vừa.
Ngoài ra, người dân cũng cần tập trung trồng loại cây theo đúng định hướng của chính quyền địa phương, giúp tập trung vùng trồng, nâng cao tỷ lệ chế biến và đáp ứng được nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm.