Xuất khẩu vượt kỳ vọng, giá gạo thơm cao trên 1.000 USD/tấn
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/12, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 6,8 triệu tấn, mang về hơn 3,3 tỷ USD, tăng 15,2% về khối lượng và tăng 6,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Với con số này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến cả năm 2022, lượng gạo xuất khẩu cán mốc trên 7 triệu tấn, doanh thu ước đạt 3,5 – 3,6 tỷ USD.
Điều đáng ghi nhận là giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường tiếp tục tăng trong những ngày gần đây. Cụ thể, ngày 22/12, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ở mức 453 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với đầu tháng 12; gạo 25% tấm có giá bán ở mức 438 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn. Thậm chí, giá gạo 5% tấm của Việt Nam nhiều thời điểm còn vượt Thái Lan và đứng đầu thế giới. Đơn cử, trong tháng 11/2022, trong khi giá chào bán gạo 5% tấm của Thái Lan chỉ ở mức 440 USD/tấn còn Việt Nam ghi nhận mức 447 USD/tấn.
Xuất khẩu gạo năm 2022 thành công về cả giá trị và sản lượng. |
Nhìn lại kết quả năm 2022 của ngành gạo, ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân tích: Năm 2022 là một năm có rất nhiều biến động trên thị trường, đặc biệt là đầu năm giá gạo đi xuống, đến giữa quý III giá gạo lại biến động. Tuy nhiên đây vẫn là một năm khá thành công của những nhà xuất khẩu cũng như là là sản xuất lương thực Việt Nam. Đặc biệt, xuất khẩu gạo vào một số các thị trường lớn như Philippines đã ghi nhận tăng trưởng đến gần 30%.
“Đây là một năm rất là thành công của ngành và là một cái con số những người làm xuất khẩu không ai nghĩ sẽ đạt”- ông Đỗ Hà Nam nhận định.
Không chỉ ghi nhận sản lượng vượt kế hoạch đề ra, năm 2022 cũng đánh dấu việc gạo Việt thâm nhập thị trường Trung Đông và Châu Âu bằng chính thương hiệu “Made in Vietnam” của doanh nghiệp Việt với giá cao trên 1.000 USD/tấn. “Tại thị trường Châu Âu, chúng tôi đang xuất khẩu bằng chính thương hiệu của Trung An với giá trên 1.000 USD/tấn cho gạo thơm ST24, ST25. Cũng trong năm qua, chúng tôi còn mở rộng xuất khẩu sang Trung Đông và giữ ổn định ở các thị trường Hàn Quốc, Malaysia…” – ông Phạm Thái Bình- Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An nói.
Tiếp tục “sáng cửa” trong 2023
Từ nền tảng của năm 2022, các nhà xuất khẩu gạo dự báo rằng, trong năm 2023 xuất khẩu gạo sẽ có nhiều cơ hội đột phá. Cụ thể, theo ông Đỗ Hà Nam, với việc đạt giá cao vào cuối vụ, đặc biệt là cuối năm 2022 sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu gạo có lợi thế để đàm phán hợp đồng của năm 2023. “Các năm trước thường ở cuối vụ giá gạo rất thấp nên đối tác nhập khẩu thường căn cứ vào giá đó để đàm phán mua vụ Đông xuân. Tuy nhiên năm nay cuối vụ chúng ta đạt giá khá cao nên chúng tôi cũng hy vọng các hợp đồng ký cho vụ Đông xuân trong năm 2023 sẽ tốt hơn. Điều quan trọng hơn, việc giá tăng sẽ là động lực cho sản xuất của người nông dân có thêm động lực, từ đó mở rộng diện tích, nâng cao năng suất”- ông Đỗ Hà Nam dự báo.
Ngoài có nền tảng là giá tốt thì ở nhiều thị trường như Philippines, Trung Quốc, Châu Âu hay Bangladesh… cũng đều có nhiều triển vọng. Trong đó, với thị trường Trung Quốc, gần đây nước này thông báo sẽ mở cửa trở lại cũng được cho là một tín hiệu tích cực cho những nhà xuất khẩu gạo. Bởi lẽ những năm trước đây Việt Nam xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc từ 2,5- 3 triệu tấn lương thực. Tuy nhiên, những năm gần đây chỉ quanh quẩn ở mức 1 triệu tấn, thậm chí có những năm chúng ta chỉ còn có 500.000 tấn. “Từ cuối năm ngoái chúng tôi thấy thị trường Trung Quốc bắt đầu là ổn định hơn và với chính sách mở cửa trở lại của nước này, chúng tôi nhận định năm 2003 xuất khẩu gạo qua Trung Quốc có thể đạt 1 triệu tấn”- ông Đỗ Hà Nam cho hay.
Tại thị trường Bangladesh, vào cuối tháng 11/2022 Bộ trưởng Bộ Lương thực Bangladesh của nước này đã tới Việt Nam để làm việc trực tiếp với Tổng công ty Lương thực miền Nam (VINAFOOD II). Tại buổi làm việc này, ông Sadhan Chandra Majumder, Bộ trưởng Bộ Lương thực Bangladesh khẳng định sản lượng lúa gạo của nước này chưa đủ để cung cấp cho 170 triệu dân và vẫn cần phải nhập khẩu gạo, với những nguồn cung chính là Ấn Độ, Việt Nam và Myanmar. Do đó, Bangladesh đã đồng ý gia hạn MOU về thương mại gạo với Việt Nam thêm 5 năm.
Được biết, trước đó VINAFOOD II đã làm đầu mối cung cấp gạo theo MOU (biên bản ghi nhớ) qua các năm cho phía Bangladesh. Trong đó, năm 2011 cung cấp 450.000 tấn; năm 2017 cung cấp 250.000 tấn; năm 2021 cung cấp 52.500 tấn gạo trắng; và năm 2022 cung cấp 230.000 tấn gạo. Với việc tiếp tục đươc gia hạn MOU này sẽ tạo thêm cơ hội để gạo Việt thâm nhập thị trường Bangladesh ổn định trong thời gian tới.
Hay với thị trường Philippines – quốc gia tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, mới đây Chính phủ nước này quyết định duy trì thuế nhập khẩu gạo ở mức 35%. Việc duy trì chính sách giảm thuế nhập khẩu của Philippines sẽ là thông tin tốt cho xuất khẩu gạo Việt Nam vì sẽ đảm bảo cho tính ổn định của thị trường. Bên cạnh đó, dự báo của Liên đoàn Nông dân Tự do (FFF) Philippines cho biết quốc gia này có thể cần nhập khẩu ít nhất 3 triệu tấn gạo vào năm tới do tình trạng thiếu hụt đang diễn ra khi sản lượng gạo ở mức thấp hơn so với nhu cầu.
Ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA): Mong cơ chế về tỷ giá, lãi suất ổn định Năm 2023, cùng với thuận lợi về giá và thị trường thì cộng đồng doanh nghiệp nói chung, sản xuất, xuất khẩu lương thực nói riêng sẽ phải đối mặt với một số thách thức liên quan đến vốn và room tín dụng. Tron khi đó tài chính đang là khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp, ảnh hưởng tới những doanh nghiệp muốn mở rộng hoặc thu mua dự trữ. Chúng tôi thấy hiện Ngân hàng Nhà nước dù bắt đầu mở thêm room tín dụng nhưng mức độ rất nhỏ, dẫn tới rủi ro cho doanh nghiệp. Do đó, chúng tôi mong muốn, cơ chế về tỷ giá, lãi suất phải có tính ổn định. Bởi khi doanh nghiệp lên phương án kinh doanh, sản xuất, đều phải dựa trên tỷ giá và khi tỷ giá lên – xuống đột ngột, những tính toán của doanh nghiệp đều sẽ không còn chính xác, dẫn đến thua lỗ. Thêm vào đó, tính ổn định nguồn vốn cũng rất quan trọng, giúp đảm bảo định hướng sản xuất và Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế cấp vốn cho doanh nghiệp lúa, gạo. |