Giá gạo xuất khẩu Việt Nam đắt nhất thế giới, mừng hay lo?

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam đắt nhất thế giới, mừng hay lo?

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng vượt giá gạo Thái Lan và đắt nhất thế giới, được cho là không hoàn toàn có lợi thế, chưa nói đến yếu tố bất lợi.

Giá gạo ở mức cao

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong phiên giao dịch ngày 19/8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng vượt giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và đắt nhất thế giới.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam đắt nhất thế giới, mừng hay lo?
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam đắt nhất thế giới, mừng hay lo? (Ảnh: Nguyễn Hạnh)

Cụ thể, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức 628 USD/tấn, gạo Thái Lan cùng lại có giá 618 USD/tấn. Giá gạo 25% tấm của Việt Nam là 618 USD/tấn trong khi loại gạo này của Thái Lan có giá 561 USD/tấn.

Như vậy, giá gạo 5% tấm của Việt Nam hôm nay cao hơn của Thái Lan 10 USD/tấn, còn gạo 25% tấm của Việt Nam cao hơn 57 USD/tấn. Theo đó, giá gạo Việt Nam xuất khẩu đang ở mức cao nhất thế giới.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam đắt nhất thế giới, mừng hay lo?
Giá gạo Việt Nam phiên giao dịch 18/8 (Nguồn Hiệp hội Lương thực Việt Nam)

Trước đó, ngày 16/8, giá chào bán gạo của doanh nghiệp Việt Nam ghi nhận mức giảm 15 USD/tấn so với ngày 10/8, đứng ở mức 623 – 627 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và 603 – 607 USD/tấn đối với gạo 25% tấm.

Trong khi đó, đối với Thái Lan, sau khi giảm 28 USD/tấn vào ngày 16/8 so với ngày 10/8 với cả gạo 5% và 25% tấm thì mức giá vào ngày 17/8 so với ngày trước đó tiếp tục giảm thêm 10 đô la/tấn đối với gạo 5% tấm và 7 USD/tấn đối với gạo 25% tấm.

Như vậy, giá gạo 5% tấm ngày 17/8 của Thái Lan chỉ còn 613 – 617 USD/tấn, trong khi giá gạo 25% là 561 – 565 đô la/tấn. Với mặt bằng giá mới được thiết lập vào ngày 17/8, gạo 5% tấm của Việt Nam cao hơn của Thái Lan 15 USD/tấn và gạo 25% tấm cao hơn 47 USD/tấn.

Động thái giảm giá chào xuất khẩu gạo của Việt Nam trong ngày 16/8 so với ngày 10/8 được lý giải là do “tâm lý” trước thông tin Ấn Độ có thể sớm mở cửa bán gạo trở lại. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng không dám ký bán mức giá đó vì không hiệu quả nếu so với giá mua vào từ thị trường trong nước hiện nay. Một số doanh nghiệp cho biết, hiện giá gạo nội địa đang ở mức tương đương giá chào xuất khẩu.

lúa gạo
Thị trường lúa gạo liên tục biến động trong một tháng trở lại đây (Ảnh: Nguyễn Hạnh)

Sau khi một số thị trường cấm xuất khẩu gạo, thông tin về lũ lụt tàn phá vụ lúa của Trung Quốc được cho là yếu tố thêm “lửa” vào thị trường gạo toàn cầu. Mưa lớn kéo dài nhiều ngày đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở vùng sản xuất ngũ cốc hàng đầu của Trung Quốc ở phía Đông Bắc, làm 14 người tại đây thiệt mạng và gây lo ngại về an ninh lương thực khi nước lũ tràn vào các cánh đồng nông nghiệp, CNN thông tin.

Mừng hay lo?

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam đắt nhất thế giới, nên mừng hay nên lo? Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giá gạo của Việt Nam cao so với mặt bằng chung của thế giới không hoàn toàn là lợi thế, chưa nói là bất lợi.

Bởi nếu doanh nghiệp bán ra với giá quá cao, khách hàng có thể tìm kiếm nguồn cung mới với giá hợp lý hơn, khi đó, có thể mất thị trường hay tốn nhiều thời gian, công sức để đàm phán mua hàng trở lại. Mặt khác, giá gạo xuất khẩu cao cũng đẩy giá nguyên liệu trong nước đi lên, doanh nghiệp không dám mua vào vì nguồn vốn lớn, rủi ro cao.

“Với các ngành hàng nông sản khác, thông thường doanh nghiệp sẽ bán hàng cho khách trả giá cao. Tuy nhiên, với ngành hàng gạo lại có chút khác biệt”, ông Phan Văn Có – Giám đốc marketing Công ty TNHH Vrice – chia sẻ và cho biết, tại Việt Nam, chỉ khoảng 3,5 tháng/vụ lúa, điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung liên tục được lấp đầy. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thường tính chuyện đường dài.

Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu thường ưu tiên bán hàng cho thị trường truyền thống có tính ổn định, thanh toán nhanh và giá bán tương đồng với các nhà cung cấp khác. Sau khi cung cấp đủ cho các đối tác lâu năm, doanh nghiệp gạo mới tính đến các thị trường mới, giá cao.

“Những khách trả giá cao cũng có thể là những khách hàng chỉ mua một lần, thị trường mới sẽ kèm theo rủi ro về thanh toán, lừa đảo thương mại”, ông Phạm Văn Có chia sẻ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 719.000 tấn, tương đương 413 triệu USD, tăng 54% về lượng và tăng 70% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Hiện, Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ gạo lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 15% về tổng lượng và 16% về tổng kim ngạch xuất khẩu gạo.

Các chuyên gia khuyến nghị, khi gạo Việt đứng trước càng nhiều cơ hội, doanh nghiệp Việt càng cần bình tĩnh. Bởi lẽ, mọi vấn đề có thể phát sinh mặt trái nếu chúng ta không quản lý tốt, chỉ nhìn về một phía, một khía cạnh.

Trong cấu trúc ngành hàng, giá cả được quyết định bởi yếu tố cung – cầu, khi cầu tăng, cung không thay đổi thì giá sẽ lên, điều này chúng ta không can thiệp được. Tuy nhiên, ngành lúa gạo vẫn đang chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài. Do vậy, nông dân và doanh nghiệp phải tôn trọng và cùng chia sẻ thời cơ làm sao để vụ mùa sau mọi người còn có thể hợp tác làm ăn với nhau. Các doanh nghiệp, thương nhân cũng cần tỉnh táo trong việc mua bán hiện nay. Giữ chữ “tín” cũng là việc đặt lên hàng đầu lúc này.

Nguyễn Hạnh

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí