Châu Á là thị trường lớn nhất
Theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 7,1 triệu tấn với trị giá 3,45 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 5,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân đạt 486 USD/tấn, giảm 7,7% so với mức bình quân năm 2021.
Giá xuất khẩu gạo tăng cao |
Tại báo cáo của Bộ Công Thương gửi Chính phủ về tình hình xuất khẩu gạo năm 2022 và phương hướng xuất khẩu gạo năm 2023, Bộ Công Thương thông tin, Châu Á tiếp tục là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất trong năm 2022, đạt 4,96 triệu tấn, chiếm gần 71% trong tổng lượng xuất khẩu, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2021. Châu Phi là thị trường khu vực xuất khẩu lớn thứ hai, đạt gần 1,25 triệu tấn, chiếm 17, 8% tổng lượng xuất khẩu, tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Đặc biệt, tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ khoảng 2,45% trong tổng lượng xuất khẩu nhưng khu vực thị trường châu Âu đã có tăng trưởng mạnh mẽ lên tới 90,7% so với năm 2021, đạt 172,2 nghìn tấn (xét về lượng không lớn so với các thị trường khu vực khác nhưng giá trị gia tăng lại cao do đây là thị trường tiêu thụ các sản phẩm gạo thơm chất lượng cao của Việt Nam).
Bước sang tháng 1/2023, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 359.310 tấn gạo, mang lại 186,6 triệu USD, giá xuất khẩu trung bình 519,3 USD/tấn.
“So với tháng 1 năm 2022, giảm 29% về số lượng, giảm 24,2% trị giá nhưng tăng 6,8% về giá xuất khẩu. Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1 vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng” – Bộ Công Thương chỉ rõ.
Tháng đầu năm 2023, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 35% tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước (lượng đạt trên 129.323 tấn), giảm 44,7% so với cùng kỳ năm 2022 (do trong tháng 01 có hai kỳ nghi lễ kéo dài là Tết Dương lịch và Tết Nguyên đản). Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc chiếm trên 13,2% trong tổng lượng với số lượng 47.424 tấn, tăng 13,2% với cùng kỳ năm 2022.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Lương thực Phương Đông chia sẻ, chúng tôi rất lạc quan về ngành gạo. Từ năm 2019 tới nay, ngành gạo có những lúc không còn lúa gạo để bán. Để làm được chuyện đó thì các cơ quan quản lý đã rất nỗ lực trong việc lai tạo giống để tạo ra các sản phẩm chất lượng. Công tác xúc tiến thương mại cũng được thực hiện tốt để đưa gạo ra nước ngoài.
Giá gạo Việt Nam vượt Thái Lan, Ấn Độ
Bộ Công Thương nhận định, thời gian qua, tình hình thương mại hàng hóa toàn cầu nói chung và mặt hàng gạo nói riêng đã phục hồi trở lại sau tác động của dịch Covid-19 nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do yếu tố khó khăn từ các thị trường như tình trạng lạm phát gia tăng tại các khu vực tiêu thụ lớn như Hoa Kỳ, EU; biến động địa chính trị giữa các nước. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành cùng với các giải pháp khơi thông thị trường, lưu thông hàng hóa, việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu đối với mặt hàng gạo đã ghi nhận được một số kết quả tích cực.
Cụ thể, công tác điều hành xuất khẩu gạo đã bám sát mục tiêu tiêu thụ hết lúa gạo cho người nông dân và bảo đảm lợi ích người trồng lúa theo chính sách hiện hành; góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước. Giá thóc, gạo nội địa đã duy trì ở mức đảm bảo có lãi cho người nông dân.
Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đang đi đúng định hướng, chủng loại gạo trắng thường vẫn chiếm tỷ trọng ổn định (dưới 45% tổng lượng gạo xuất khẩu), tiếp đến gạo thơm và gạo nếp chiếm trên 45% tổng lượng gạo xuất khẩu. Ngoài ra xuất khẩu gạo hữu cơ và gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng tuy với tỷ trọng còn khiêm tốn nhưng đã làm đa dạng chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam và khẳng định được giá trị hạt gạo xuất khẩu.
Bộ Công Thương khẳng định: “Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giữ đà tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm 2023, nhiều thời điểm trong các tháng, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ”.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 15/2/2023, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 463 USD/tấn (FOB), tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2023, bằng với giá gạo của Thái Lan cùng chủng loại, tăng 20 – 23 USD/tấn so với gạo 5% tấm của Ấn Độ, Pakistan.
Thị trường xuất khẩu gạo trong năm 2022 ghi nhận sự tăng trưởng ở tất cả thị trường. Xuất khẩu gạo sang thị trường EU ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc ở mức 94.510 tấn gạo và vượt hạn ngạch 80.000 tấn gạo hàng năm mà EU dành cho Việt Nam theo cam kết từ Hiệp định EVFTA. Điều này cho thấy chất lượng gạo xuất khẩu tiếp tục được khẳng định.
Theo ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, mỗi năm Việt Nam sản xuất từ 22 – 23 triệu tấn gạo, trong đó xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 15%.
Vì vậy, dư địa để gia tăng sản lượng xuất khẩu là khá lớn. Đặc biệt, với việc sản xuất hơn 80% dòng gạo thơm, chất lượng cao đang mở ra cơ hội để ngành hàng này phát triển và vươn xa.
Thực tế đã chứng minh, trong năm 2022 với muôn vàn khó khăn, ngành lúa gạo vẫn luôn giữ được đà tăng trưởng tốt. Đặc biệt, xuất khẩu gạo đang tăng cả về giá và số lượng, thậm chí có những thời điểm, gạo của Việt Nam có giá trị cao hàng đầu thế giới. Kết quả này đã thể hiện hướng đi đúng trong việc chuyển hướng tăng cường sản xuất gạo chất lượng cao của ngành nông nghiệp.
Năm 2023, Bộ Công Thương cũng dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam đạt khoảng 7 triệu tấn, trị giá gần 4 tỷ USD.