(HQ Online) – Các doanh nghiệp đầu tư tại Khu Công nghệ cao TPHCM không chỉ hoạt động hiệu quả mà còn liên tục tăng vốn, đầu tư mở rộng sản xuất, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất nhập khẩu của TPHCM trong thời gian qua.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Datalogic Việt Nam. Ảnh: DN cung cấp |
Đóng góp hơn 50% giá trị xuất khẩu
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết, qua 20 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Khu Công nghệ cao TPHCM đã triển khai đồng bộ 7 phân khu chức năng theo quy hoạch tổng thể được Thủ tướng phê duyệt, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển công nghệ cao. Tổng vốn ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng Khu Công nghệ cao TPHCM đến ngày 30/6/2022 trên 10.000 tỷ đồng.
Trong 51 dự án FDI tại Khu công nghệ cao TPHCM, có thương hiệu của các tập đoàn công nghệ nổi tiếng thế giới như: Intel, Jabil (Hoa Kỳ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Datalogic (Italia)… với tổng vốn đầu tư trực tiếp FDI bao gồm cả cấp mới và điều chỉnh tăng vốn đạt trên 10,1 tỷ USD. |
Đến cuối tháng 6/2022, Khu Công nghệ cao TPHCM đã thu hút đuợc 160 dự án (còn hiệu lực), trong đó, 70 dự án sản xuất công nghệ cao; 19 dự án dịch vụ công nghệ cao; 19 dự án nghiên cứu triển khai (R&D); 9 dự án đào tạo, ươm tạo; 23 dự án công nghiệp hỗ trợ CNC; 9 dự án thương mại, dịch vụ; 11 dự án phát triển hạ tầng. Trong 51 dự án FDI, có thương hiệu của các tập đoàn công nghệ nổi tiếng thế giới như: Intel, Jabil (Hoa Kỳ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Datalogic (Italia)…
Tổng vốn đầu tư trực tiếp FDI bao gồm cả cấp mới và điều chỉnh tăng vốn đạt trên 10,1 tỷ USD với 51 dự án và tổng vốn đầu tư trong nước tương đương 1,929 tỷ USD với 109 dự án. Giải ngân vốn đầu tư thực hiện của doanh nghiệp đạt 5,585 tỷ USD, chiếm 46,4%.
Các doanh nghiệp đầu tư tại Khu Công nghệ cao TPHCM không chỉ hoạt động hiệu quả mà còn liên tục tăng vốn, đầu tư mở rộng sản xuất, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố. Do đặc thù là ngành sản xuất các sản phẩm công nghệ cao nên kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tại đây tăng dần hàng năm, năm 2021 đạt 20,9 tỷ USD, chiếm gần 52% kim ngạch xuất khẩu TPHCM. Dự kiến năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 23 tỷ USD.
Đại diện Công ty Intel Việt Nam cho biết, đầu tư và đi vào hoạt động tại Khu Công nghệ cao TPHCM từ năm 2010 đến nay, Tập đoàn Intel đã đóng góp cho nền kinh tế khu vực TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung, trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng nghìn người, đồng thời củng cố vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện tổng vốn đầu tư của Intel để xây dựng cơ sở sản xuất thử nghiệm và lắp ráp chip điện tử hiện đại tại Khu Công nghệ cao TPHCM đã lên tới hơn 1,5 tỷ USD. Như vậy, Công ty Intel Việt Nam với 2.700 kỹ sư và kỹ thuật viên trong hơn 10 năm đã làm ra tổng kim ngạch xuất khẩu là 50 tỷ USD và 2,9 tỷ sản phẩm cung ứng cho toàn cầu.
Là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, Công ty TNHH Datalogic Việt Nam đóng tại Khu Công nghệ cao TPHCM là nhà máy chủ lực của Tập đoàn Datalogic S.p.A – một trong ba nhà sản xuất máy đọc mã vạch lớn nhất thế giới. Với hệ thống dây chuyền tự động hóa lên đến khoảng 80%, quy mô sản xuất của Datalogic Việt Nam chiếm từ 75 – 80% tổng sản phẩm máy đọc mã vạch của cả tập đoàn. Hiện, sản phẩm của Datalogic Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu khoảng 45%; châu Mỹ từ 30 – 35%; tiêu thụ tại Việt Nam khoảng 1%; còn lại xuất khẩu sang châu Á, châu Phi.
Thu hút “sếu đầu đàn”
Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết, hoạt động thu hút đầu tư của Khu Công nghệ cao đảm bảo tính công khai, minh bạch và cạnh tranh. Đồng thời, đảm bảo sự tiếp cận công bằng của các nhà đầu tư nhằm chọn lựa được những nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để triển khai các dự án nhanh và hiệu quả, góp phần vào phát triển nhanh và bền vững của TPHCM. Thu hút đầu tư tại chỗ trên cơ sở tập trung chăm sóc tốt các nhà đầu tư hiện hữu; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thực hiện cơ chế một cửa liên thông để giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp tại Khu Công nghệ cao.
Trong năm 2022, Khu Công nghệ cao sẽ tập trung thu hút các dự án theo danh mục kêu gọi đầu tư và thu hút thành công dự án trung tâm logistics Khu Công nghệ cao, với chức năng ga hàng không nối dài nhằm góp phần tiết giảm chi phí logistics của doanh nghiệp, qua đó tăng cường lợi thế cạnh tranh thu hút đầu tư của Khu Công nghệ cao nói riêng và TPHCM nói chung trong thời gian tới.
Ngoài ra, để thu hút “sếu đầu đàn”, TPHCM đang xúc tiến thành lập khu công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao với diện tích 300 ha để tạo ra hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Hệ sinh thái này không chỉ phục vụ cho doanh nghiệp công nghệ cao mà còn là xương sống cho nền sản xuất hiện đại của thành phố.
Theo ông Nguyễn Anh Thi, trong chiến lược thu hút đầu tư, Khu Công nghệ cao ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. SHTP tập trung ưu tiên thu hút với bốn mũi nhọn: Vi điện tử – công nghệ thông tin – viễn thông; cơ khí chính xác – tự động hóa; công nghệ sinh học áp dụng trong dược phẩm và môi trường; năng lượng mới – vật liệu mới – công nghệ nano.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, dự kiến tổng vốn thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao TPHCM sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD với hơn 50 dự án công nghệ cao, trong đó có từ 1 – 2 tập đoàn công nghệ cao của thế giới. Khu Công nghệ cao TPHCM cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai Dự án Công viên khoa học rộng gần 170 ha với mục tiêu phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thu hút các dự án mang hàm lượng khoa học – công nghệ cao, đầu ra là các sản phẩm công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn. Công viên khoa học cũng là địa chỉ cung cấp nguồn nhân lực công nghệ cao, là tác nhân chuyển biến thành nội lực quốc gia để tạo động lực sản xuất mới.