Đây là hợp tác xã thứ hai ở vùng cao, của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn có sản phẩm xuất khẩu.
Hợp tác xã Thanh Tâm chuyên về sản xuất rượu men lá ở xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn đã ký hợp đồng với Đại lý phân phối Komeco.Ltd để xuất khẩu rượu sang Nhật Bản.
Rượu men lá của HTX Thanh Tâm |
Theo hợp đồng ký kết, mỗi chuyến hàng, đơn vị sẽ xuất cho đại lý là 8.500 chai, quy cách đóng chai, mẫu mã sẽ thực hiện theo yêu cầu của phía đối tác. Trước đó, đại diện đại lý đã đưa mẫu sản phẩm đi kiểm tra và được công nhận đủ điều kiện, tiêu chuẩn sản xuất của nhà cung cấp đề ra.
HTX Thanh Tâm là đơn vị sản xuất rượu men lá lâu năm của địa phương. Sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Bình quân mỗi tháng đơn vị sản xuất, bán ra thị trường 10.000 lít rượu men lá. Hiện HTX đang liên kết sản xuất với 11 hộ nấu rượu trên địa bàn.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, Bằng Phúc với độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển, khí hậu mát lành, nước lạnh ngọt từ lâu đã nổi danh ở Bắc Kạn với nghề nấu rượu. Tại đây, nghề nấu rượu được phổ biến tại 9/9 thôn theo phương pháp truyền thống. Sản lượng rượu sản xuất đạt gần 210.000 lít/tháng tương đương hơn 6.000 lít/ngày, được tiêu thụ ở nhiều tỉnh. Doanh thu từ hoạt động nấu rượu và chăn nuôi lợn của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại đây ước đạt hơn 65 tỷ đồng/năm.
Trước đó, vào năm 2020, lần đầu tiên Bắc Kạn có một hợp tác xã của đồng bào dân tộc thiểu số xuất khẩu sản phẩm. Đó là Hợp tác xã miến dong Tài Hoan (Na Rì) đã xuất khẩu miến dong sang thị trường châu Âu. Đến nay, châu Âu đang dần trở thành một trong những thị trường tiêu thụ chính của Hợp tác xã.
Xuất khẩu đang trở thành thị trường tiềm năng cho nông sản Bắc Kạn. Ngoài Hợp tác xã Thanh Tâm và Hợp tác xã Tài Hoan, hiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Nam Misaki cũng đang xuất khẩu số lượng lớn sản phẩm rượu mơ vẩy vàng, mơ quả chế biến, rau cải Nhật, củ kiệu… sang thị trường Nhật Bản.