Xuất khẩu hàng hoá sang 104 quốc gia, vùng lãnh thổ
Chia sẻ tại buổi Họp báo Hội nghị tổng kết Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) 2023, diễn ra ngày 23/11, ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Vitas cho hay: Năm 2023, lượng tồn kho lớn tại các thị trường nhập khẩu sau khi bị “quá mua” của năm 2022, kết hợp với nhu cầu tiêu dùng giảm khiến ngành công nghiệp dệt may toàn cầu, trong đó có Việt Nam bị ảnh hưởng, đơn hàng giảm, giá thành hạ và bị cạnh tranh gay gắt.
Theo số liệu thống kê đến hết 10 tháng năm 2023, ngành dệt may Việt Nam đạt khoảng 33 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, dự kiến cả năm sẽ đạt khoảng 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm trước.
Ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam |
Trong bức tranh không mấy sáng của năm nay, điểm được ghi nhận nổi bật của ngành là bứt phá về thị trường. “Chưa năm nào Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may sang nhiều thị trường như năm nay, tới 104 quốc gia và vùng lãnh thổ ”, ông Vũ Đức Giang nói. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất của Việt Nam, tính đến hết 9 tháng xuất khẩu sang thị trường này đạt trên 11 tỷ USD, tiếp đến là Nhật bản 3 tỷ USD, Hàn Quốc 2,43 tỷ USD, EU gần 2,9 tỷ USD.
Ngoài ra, từ đầu năm tới nay Việt Nam đã xuất khẩu một lượng đáng kể hàng dệt may sang Canada, Trung Quốc, Anh, Australia, Nga, Indonesia, Thái Lan, Hong Kong, Ấn Độ… Trong số các thị trường trọng điểm của ngành, xuất khẩu sang EU năm nay không đạt kỳ vọng, 9 tháng giảm 13%.
Bên cạnh đa dạng thị trường, doanh nghiệp dệt may trong nước đã đa dạng được mặt hàng xuất khẩu. Theo thống kê của Vitas, 9 tháng dệt may Việt Nam đã xuất khẩu 36 loại mặt hàng đi khắp thế giới, trong đó jacket vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực với 4,385 tỷ USD, quần áo các loại 3,853 tỷ USD, áo thun 3,85 tỷ USD, sơ mi 1,879 tỷ USD, quần áo trẻ em 1,7 tỷ USD, vải các loại 1,7 tỷ USD… Đặc biệt, mặt hàng Veston đã khôi phục đáng kể trong năm nay.
“Chính bởi nỗ lực đa dạng thị trường, đa dạng mặt hàng xuất khẩu đã giúp ngành dệt may dần vượt qua khó khăn, tiến tới mục tiêu không phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu lớn”, lãnh đạo Vitas cho hay.
Cũng theo ông Vũ Đức Giang, ngoài nỗ lực đa dạng hoá thị trường, mặt hàng xuất khẩu, sự kết hợp chặt chẽ giữa hiệp hội, doanh nghiệp trong việc tuyên truyền và kiến nghị chính sách, kết nối cung cầu là giải pháp giúp doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với khó khăn thách thức.
Cụ thể, hiệp hội đã cùng với doanh nghiệp trong ngành triển khai giải pháp xanh hoá, phát triển sản xuất bền vững. Trong đó có việc chuyển đổi nồi hơi đốt bằng than, dầu, củi sang nồi hơi đốt bằng điện.
Đầu tư vào công nghệ số để tạo ra sự minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của nhãn hàng; hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu; giữ ổn định nguồn lực lao động.
Mục tiêu nào cho năm 2024?
Quý cuối cùng của năm 2024, theo ông Vũ Đức Giang, đơn hàng về các doanh nghiệp đã khả quan hơn, là tín hiệu tốt cho năm 2024 đang tới gần. Năm 2024, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu đạt 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.
Năm 2023, xuất khẩu dệt may dự kiến về đích với 40,3 tỷ USD |
Để đạt mục tiêu này, đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá mặt hàng xuất khẩu vẫn là giải pháp quan trọng. Cùng đó, ngành vẫn tiếp tục thực hiện các mục tiêu nhằm phát triển bền vững, thích ứng với đòi hỏi của thị trường toàn cầu về xanh hoá, giảm phát thải nhà kính, trong đó ưu tiên đầu tư sâu vào hệ thống nồi hơi đốt điện, quản trị số.
Thực hiện giải pháp đầu tư về công nghiệp hoá, tự động hoá, nhất là đầu tư 1 số dây chuyền có thể sản xuất để đáp ứng yêu cầu giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ, chất lượng cao. Tập trung phát triển ngành công nghiệp thời trang, phát triển thương hiệu trong nước và lan toả ra thị trường thế giới. Phát triển nguồn nhân lực thiết kế thời trang có thể thích ứng được với công nghệ thiết kế 3D.
Việt Nam hiện đã ký kết một lượng đáng kể các hiệp định thương mại tự do, để tận dụng, hiệp hội cùng doanh nghiệp dệt may trong nước tiếp tục phát triển công nghiệp thời trang, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chủ động nguyên liệu đầu vào, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và quản trị…
Giải đáp các vấn đề được truyền thông đưa ra tại buổi họp báo, ông Vũ Đức Giang cho hay: Phát triển ngành công nghiệp thời trang là vấn đề đặt ra từ lâu nhưng chưa thực hiện được một nguyên nhân quan trọng là thiếu lực lượng thiết kế. Đây là yếu điểm cần khắc phục.
Tuy nhiên, không phải ngành công nghiệp thời trang Việt Nam chưa phát triển mà đã có nhưng rải rác và chưa thành một tổng thể. Các nhãn hàng hiện nay không còn chỉ định thiết kế mà chỉ đưa ra yêu cầu cho nhà sản xuất phát triển mẫu và chào hàng. Như vậy, ngành công nghiệp thời trang Việt Nam đã có, điều cần là phải thành lập chi hội thiết kế thời trang Việt Nam, có chiến lược phát triển cho khâu thiết kế, hình thành các trung tâm trình diễn thời trang, đào tạo nhân lực.