Trong 6 tháng đầu năm 2023, các sản phẩm như xi măng, hàng thủy sản, giày dép các loại tăng, dây điện và cáp điện, viên nén gỗ…tiếp tục thể hiện vai trò trụ đỡ trong lĩnh vực xuất khẩu. Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu có mức tăng trưởng rất tốt như như gạo, rau quả chế biến. Đó là những điểm sáng đáng kể trong hoạt động xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023.
6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Nghệ An giảm 11,6%. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty may Sangwoo, KCN VSIP Nghệ An. |
Ông Hoàng Minh Tuấn – Trưởng phòng quản lý XNK Sở Công Thương Nghệ An cho biết: “Kết quả xuất nhập khẩu 6 tháng có giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên về cơ bản chúng tôi thấy rằng cán cân thương mại như vậy cũng đang ở mức bình ổn”.
Lý giải nguyên nhân sụt giảm về kim ngạch của một số mặt hàng chủ lực như tôn thép, ông Tuấn cho rằng, do kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôn thép năm 2022 tăng đột biến do tình hình dịch diễn ra phức tạp ở các tỉnh phía Nam. Năm nay, lượng hàng sản xuất xuất khẩu trở về ổn định như các năm trước nên kim ngạch sẽ giảm so với năm 2022 giảm.…
“Hay các mặt hàng như dệt may, xơ sợi dệt đều giảm, là do nhu cầu tiêu thụ giảm, có thể xuất phát từ lạm phát tăng quá cao. Khi giá cả tăng quá cao thì khách hàng lại tập trung vào những mặt hàng thiết yếu nhiều hơn những mặt hàng tiêu dùng khác, do đó đơn hàng xuất khẩu cũng giảm. Điển hình của đơn hàng giảm đặc biệt đối với thị trường Hoa Kỳ là thị trường có biến động mạnh, nhu cầu tiêu dùng giảm…” ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, cơ hội cho xuất khẩu hàng hoá tiêu dùng hồi phục trong những tháng tới đây. Và với sự chủ động, sẵn sàng của doanh nghiệp, các đơn hàng xuất khẩu sẽ sớm được đáp ứng. Tuy nhiên, dự kiến những tháng cuối năm sẽ đạt kế hoạch đề ra, nhưng mong muốn tốc độ tăng trưởng cao là rất khó…
Hàng hoá xuất qua cảng Cửa Lò (Nghệ An) |
Số liệu từ Sở Công Thương cho thấy, 6 tháng, bên cạnh một số mặt hàng tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022, thì có nhiều mặt hàng có kim ngạch giảm so với cùng kỳ 2022.
Cụ thể, hàng dệt may giảm 11,6%, linh kiện điện tử giảm 22,3%, tôn thép các loại giảm 19,1%, dăm gỗ giảm 28,2%, sắn và sản phẩm từ sắn giảm 26,7%; xơ sợi dệt các loại giảm 68,5%; Nhóm nhựa thông, tùng hương giảm 28,6%, chè giảm 15%, đá ốp lát giảm 9%, bột đá vôi trắng siêu mịn giảm 19%…
Trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp ở Nghệ An đã nỗ lực xuất khẩu sang 126 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, một số thị trường truyền thống của các doanh nghiệp ở Nghệ An có kim ngạch giảm như: Trung Quốc giảm 11,14%, Hoa Kỳ giảm 1,5%, Đài Loan giảm 38,6%, Thụy Sỹ giảm 10,6%, Philippines giảm 21,44%, Bangladesh giảm 45,8%…
Nhìn chung kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn đều giảm. Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 28,64 tỷ USD, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái giảm tới 21,6%.
Thị trường Trung Quốc đứng thứ hai với 15,49 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, xuất khẩu hàng hóa thị trường EU đạt 14,22 tỷ USD, giảm 10,6%; thị trường ASEAN giảm 3,6%; Hàn Quốc giảm 9,6%…
Theo đại diện Sở Công Thương, nguyên nhân sụt giảm có thể kể đến như: Một số thị trường truyền thống của doanh nghiệp Nghệ An gặp khó khăn như Trung Quốc mới mở cửa, chuỗi cung ứng chưa hồi phục, chính sách thắt chặt kiểm soát về hàng nông sản, thực phẩm. Hay thị trường Hoa Kỳ, do suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu dùng giảm. Đối với EU, do chính sách thắt chặt tiền tệ, lạm phát tăng, các tiêu chuẩn và quy định ngày càng khắt khe…
Các mặt hàng đá ốp lát giảm 9%, bột đá vôi trắng siêu mịn giảm 19%… |
Thêm nữa, trong những năm 2021 -2022, Bộ Công Thương đã thông tin, hỗ trợ tham dự các sàn giao dịch thương mại quốc tế nhưng chưa được các doanh nghiệp Nghệ An quan tâm đăng ký. Chưa có nhiều doanh nghiệp và sản phẩm của Nghệ An được quảng bá, tiêu thụ trên các sàn giao dịch TMĐT lớn, uy tín của quốc tế (như Alibaba, Amazon…) do tiêu chuẩn tham gia và hàng rào kỹ thuật của các sàn này rất cao. Các sản phẩm OCOP, nông sản, hải sản tươi sống… của người dân có hạn sử dụng ngắn thường không được lên sàn; mặt khác các doanh nghiệp nhỏ, HTX nông nghiệp chưa có cán bộ kỹ thuật để trực sàn, tương tác với người mua khi có sự hỏi đáp hoặc lên đơn… cũng là thách thức lớn.
Ông Phạm Văn Hoá – Giám đốc Sở Công Thương nêu thực tế về điều kiện xuất khẩu ngày càng khó khăn, việc xúc tiến đưa các sản phẩm vào thị trường, nhất là các quốc gia phát triển rất tốn kém cả công sức và tài chính.
Do đó, khi đã vào được thị trường rồi thì các doanh nghiệp vẫn phải hết sức lưu ý về việc duy trì tốt về chất lượng sản phẩm và đáp ứng được yêu cầu chất lượng của nước sở tại vì nếu không đáp ứng được thì sẽ lập tức bị đào thải và sẽ rất khó để lấy lại uy tín.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn phía trước, theo Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An Phạm Văn Hoá, rất cần nghiên cứu giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu tiểu ngạch chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. Tiếp tục phổ biến về quy tắc xuất xứ và cách đáp ứng quy tắc xuất xứ để giúp các doanh nghiệp nắm bắt được các cơ hội mở ra từ các FTA, nâng cao hơn nữa tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong các FTA. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, cung cấp đầy đủ, cập nhật các thông tin về tình hình hội nhập kinh tế quốc tế và và các doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt được các thông tin thị trường, sản phẩm cũng như những quy định ngày càng có nhiều thay đổi, thường xuyên và khắt khe hơn, để hoạt động xuất khẩu hàng hoá được thuận lợi hơn trong thời gian tới.