Theo Tổng cục Hải quan, con số này tăng tương ứng tăng 714 triệu USD về số tuyệt đối so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 7/2023.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 8/2023 tăng so với kỳ 2 tháng 7/2023 chủ yếu ở một số nhóm hàng phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 491 triệu USD, tương ứng tăng 13,6%; xăng dầu các loại tăng 151 triệu USD, tăng 38,8%…
Nhập khẩu một số nhóm hàng lớn lũy kế từ 01/01/2023 đến 15/8/2023 và cùng kỳ năm 2022 (Nguồn: Tổng cục Hải quan) |
Trước đó, kỳ 2 tháng 7 (16-31/7), kim ngạch nhập khẩu hàng hoá đạt 13,5 tỷ USD, tăng nhẹ 0,9% (117 triệu USD) so với nửa đầu tháng 7. Liên tiếp vài tháng trở lại đây, kim ngạch nhập khẩu đều có dấu hiệu tăng trưởng.
Nhập khẩu hàng hoá tập trung vào các mặt hàng phục vụ sản xuất |
Tuy nhiên, do những khó khăn từ đầu năm, về xuất nhập khẩu nói chung, số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 8/2023 (từ ngày 01/8 đến ngày 15/8/2023) đạt 28,65 tỷ USD, giảm 3,5% (tương ứng giảm 1,03 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 7/2023.
Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 8/2023 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/8/2023 đạt 402,61 tỷ USD, giảm 16,2%, tương ứng giảm 78,02 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 277,84 tỷ USD, giảm 16,2% (tương ứng giảm 53,62 tỷ USD).
Trong kỳ 1 tháng 8 năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 224 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/8/2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 16,26 tỷ USD.
Dù còn gặp nhiều khó khăn, song việc nhập khẩu hàng hoá tăng cao cho thấy những kỳ vọng của hoạt động xuất nhập khẩu trong những tháng cuối năm. Đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, kim ngạch xuất nhập khẩu cũng có dấu hiệu đáng mừng. Đơn cử, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc đang có những tín hiệu hồi phục khi trong tháng 7/2023 xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt gần 180 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ. Các thị trường lớn khác cũng được dự báo khả quan hơn trong dịp cuối năm.
Hoặc với dệt may, ở thị trường Mỹ, nhập khẩu hàng may mặc những tháng cuối năm dự kiến tăng 10%. Với thị trường Nhật, có thể tiếp tục đà tăng của 6 tháng đầu năm
Bộ Công Thương thông tin, một yếu tố thuận lợi khác cho xuất khẩu các tháng cuối năm là từ Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể, kinh tế Mỹ tăng trưởng cao hơn dự kiến, tồn kho hàng hóa tiếp tục giảm. Ngoài ra, việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa nguồn cung, chuỗi cung ứng, đầu tư sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Các yếu tố như hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có với các đối tác thị trường lớn của Việt Nam như châu Âu, châu Mỹ tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư và xuất khẩu. Một số mặt hàng may mặc bắt đầu được hưởng thuế nhập khẩu 0% vào thị trường EU theo hiệp định EVFTA… sẽ là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này.