(HQ Online) – Xuất khẩu thủy sản năm nay tăng trưởng tốt, dự kiến sẽ cán mốc hơn 10 tỷ USD. Các doanh nghiệp thủy sản ngày các chú ý chế biến sâu và xây dựng thương hiệu để xuất khẩu bền vững.
Lãnh đạo Công ty CP Vĩnh Hoàn giới thiệu sản phẩm chế biến đến doanh nghiệp . Ảnh: T.H |
Tăng tỷ trọng chế biến sâu
Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty CP Gò Đàng cho biết, các chỉ tiêu doanh thu, sản lượng, kim ngạch, lợi nhuận của doanh nghiệp hiện đã về gần mức trước dịch. Tại các thị trường có mức sống cao như EU, Hoa Kỳ…, thủy hải sản là sản phẩm được ưu tiên lựa chọn vì có giá trị dinh dưỡng cao hơn các sản phẩm thịt khác. Do vậy, ngay cả khi sức mua bị ảnh hưởng do lạm phát, nhưng về lâu dài những sản phẩm giá trị gia tăng từ cá da trơn của Việt Nam ít chịu áp lực cạnh tranh với các nước xuất khẩu (XK) thủy sản khác, trong khi giá bán tốt hơn sản phẩm truyền thống.
Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho rằng, năm nay là năm thành công lớn của Vĩnh Hoàn, khi mặt hàng cá tra XK khá thuận lợi. Thế mạnh của ngành cá tra Việt Nam là có quy trình sản xuất, chế biến đã đạt được trình độ cạnh tranh với nhiều loại cá trắng khác, đảm bảo nguồn cung ổn định, giá bán rất tốt. Hiện Việt Nam đã có 44 vùng nuôi đạt chứng nhận của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC). Việt Nam cũng có thuận lợi là quốc gia chiếm lợi thế tuyệt đối trong việc XK cá tra, sản lượng cá tra Việt Nam khoảng 1,5 triệu tấn, chiếm 25% tổng sản lượng cá tra toàn cầu và hầu như không có đối thủ trong nuôi trồng, chế biến và XK. Người tiêu dùng, nhà nhập khẩu rất quan tâm tới quy trình nuôi trồng, chế biến. Các doanh nghiệp ngành cá tra đã nỗ lực để đạt được các chứng nhận toàn cầu, mở rộng thị trường hiệu quả.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư, mở rộng nhà máy, ông Chiêm Trần Quốc Cường, Giám đốc Kinh doanh, Công ty TNHH Thuỷ sản Phát Tiến cho biết, bên cạnh sản phẩm chủ lực là phile cá tra, doanh nghiệp này đang đầu tư mở rộng 2 nhà máy chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng. Đây là phân khúc tiềm năng, bởi thời điểm này, người tiêu dùng ở thị trường Hoa Kỳ đang có xu hướng chọn sản phẩm đông lạnh, hàng chế biến sâu thay cho hàng tươi sống.
Trong bối cảnh chi phí logistics đè nặng doanh nghiệp XK, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thực phẩm Sao Ta đưa ra giải pháp chọn thị trường gần. Dẫn chứng với mặt hàng tôm, ông Lực cho rằng, một container 40 feet từ Việt Nam xuất đi Hoa Kỳ chịu 20.000 USD chi phí logistics, trong khi từ Ecuador sang Hoa Kỳ chỉ khoảng 5.000 USD. Như vậy, mỗi container 15 tấn hàng, đối tác giảm được 15.000 USD chi phí giá thành khiến giá tôm của họ rẻ hơn tôm Việt Nam 1 USD/kg, ông Lực đánh giá và cho rằng, các doanh nghiệp XK tôm nói riêng và thủy sản nói chung phải khai thác lợi thế chi phí logistics với thị trường Trung Quốc- một thị trường gần sát ngay cạnh Việt Nam.
Ông Hồ Quốc Lực cho rằng, dư địa vào thị trường Trung Quốc còn rộng vì đây vừa là thị trường đông dân nhất thế giới, đồng thời cũng có nhu cầu nhập nguyên liệu phục vụ chế biến XK. Các doanh nghiệp XK thủy sản phải tự nâng cấp sản phẩm vào thị trường Trung Quốc vì nước này đang đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng, hướng đến tiêu chuẩn của các thị trường cao cấp như EU và Hoa Kỳ.
Xây dựng thương hiệu xuất khẩu
Bên cạnh việc chế biến sâu, gia tăng chất lượng sản phẩm XK, các doanh nghiệp thủy sản đang chú ý xây dựng thương hiệu. Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là nước XK thủy sản lớn thứ 3 thế giới (sau Trung Quốc và Na Uy) nhưng chưa được người tiêu dùng trên thế giới biết đến. Thủy sản Việt Nam có mặt ở hơn 160 quốc gia nhưng sự nhận diện của người tiêu dùng trên thế giới còn khá mờ nhạt, do sản phẩm thủy sản XK chủ yếu thông qua các nhà nhập khẩu, nên sản phẩm của Việt Nam chưa có cơ hội thuyết phục người tiêu dùng để họ nhận biết sản phẩm đó là của Việt Nam. Chính vì thế, đã đến lúc doanh nghiệp phải xây dựng thương hiệu chung cho ngành thủy sản.
Chia sẻ tại triển lãm quốc tế Thủy sản vào cuối tháng 8/2022 tại TPHCM, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Le Group cho rằng, khi xây dựng được thương hiệu cho ngành thủy sản sẽ giúp cho ngành trong việc mở cửa thị trường mới, phát triển sản phẩm; các nhà nhập khẩu cũng muốn nhập hàng vì sản phẩm được người tiêu dùng yêu thích.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết, theo chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021, mục tiêu chung đến năm 2030 có tiêu chí về xây dựng thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay, thương hiệu và xây dựng thương hiệu đang là một trong những nội dung được rất nhiều doanh nghiệp thủy sản quan tâm. Vì xây dựng thương hiệu sẽ giúp chuyển đổi hình ảnh của ngành thủy sản trong mắt người tiêu dùng quốc tế, nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển thị trường XK…
Thủy sản Việt Nam cũng đã có một vài thương hiệu lớn đã được khách hàng nhận diện và sẽ đóng góp tích cực cho việc xây dựng thương hiệu cả ngành thủy sản Việt Nam. Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn tại ĐBSCL, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho rằng, thị trường XK cá tra của Vĩnh Hoàn khá lớn, với kim ngạch mỗi năm một tăng, Vĩnh Hoàn đã từng bước xây dựng thương hiệu bằng cách nâng cao giá trị từng công đoạn.
Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Australia thông tin, trong bối cảnh tôm Việt Nam được thị trường Australia đánh giá cao về chất lượng, do vậy, đây là thời điểm tốt nhất để xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam gắn với thương hiệu nhà XK Việt Nam. Doanh nghiệp XK tôm Việt Nam quan tâm có thể đăng ký tham dự chương trình xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam tại Australia. Chương trình bao gồm các hoạt động: Quảng bá thương hiệu doanh nghiệp tại triển lãm thực tế ở Úc kết hợp với gian hàng trên triển lãm số, mời dùng thử sản phẩm, đưa thương hiệu của doanh nghiệp vào các ấn phẩm quảng bá, truyền thông tại Australia, thực hiện kết nối giao thương.
Mặc dù thương hiệu doanh nghiệp đã được nhận diện ở một số thị trường, tuy nhiên bà Nguyễn Ngô Vi Tâm cho rằng, cần có chiến lược marketing chung cho cả ngành và từng mặt hàng. Mục tiêu cuối cùng của việc xây dựng thương hiệu là làm thế nào để khách hàng chấp nhận chi trả mức giá cao hơn cho sản phẩm và trở thành khách hàng trung thành chứ không phải bán được nhiều sản phẩm với giá rẻ. Đối với ngành cá tra, Việt Nam là quốc gia chiếm lợi thế tuyệt đối trong việc XK mặt hàng chủ lực này. Sản lượng cá tra Việt Nam khoảng 1,5 triệu tấn, chiếm 25% tổng sản lượng cá tra toàn cầu, nhưng lượng cá tra XK của Việt Nam chiếm hơn 95%, nên không có đối thủ cùng loại thủy sản này. Các doanh nghiệp Việt Nam nuôi, chế biến và XK cá tra rất thành công, cần xây dựng thương hiệu để gia tăng giá trị mặt hàng này.