Tận dụng ưu đãi chứng nhận xuất xứ gia tăng cơ hội xuất khẩu vào châu Âu

Tận dụng ưu đãi chứng nhận xuất xứ gia tăng cơ hội xuất khẩu vào châu Âu

(HQ Online) – Theo Bộ Công Thương, tính trong 2 năm thực thi EVFTA (từ ngày 1/8/2020 đến 31/7/2022), khoảng 18,7 tỷ USD hàng xuất khẩu được cấp C/O mẫu EUR.1 đi 27 nước EU, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.

EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam với cơ cấu ngành hàng xuất nhập khẩu giữa hai bên mang tính bổ sung cao. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn chưa hiểu hết những lợi ích và chưa đáp ứng quy định về C/O ưu đãi, nhằm tận dụng được tối đa ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Theo Bộ Công Thương, hiện hàng xuất khẩu đi EU chủ yếu được cấp C/O đến những thị trường có cảng biển hoặc là các trung tâm phân phối của châu Âu, ví dụ như Bỉ, Đức, Hà Lan và Pháp… Những mặt hàng chủ yếu gồm có da giày, thủy sản… C/O xuất khẩu đi thị trường Đức đã được cấp 3,2 tỷ USD trong hai năm đầu thực hiện EVFTA, cấp đi Bỉ là 3,5 tỷ USD, mặt hàng da giày là 8,9 tỷ USD…

Tọa đàm: Gia tăng hàm lượng xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang EU trong EVFTA .
Tọa đàm: Gia tăng hàm lượng xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang EU trong EVFTA .

Trao đổi tại Tọa đàm: Gia tăng hàm lượng xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang EU trong EVFTA do Tạp chí Công Thương thực hiện vào ngày 9/12, bà Đặng Thị Hải Bình, Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hoá và Sở hữu trí tuệ, Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho hay, quy tắc xuất xứ để thực hiện mỗi hiệp định thương mại tự do sẽ có quy định riêng và để đáp ứng và tận dụng được thuế ưu đãi trong khuôn khổ FTA thì doanh nghiệp cần phải nắm chắc các quy định về xuất xứ hàng hóa và mỗi hiệp định có một quy định riêng.

Cụ thể trong EVFTA, Nghị định thư số 1 đã có quy định về hàng hoá có xuất xứ và phương thức hợp tác quản lý hành chính giữa hai bên, với sự khác biệt nổi trội như có quy định về cộng gộp, cho phép cộng gộp chéo hay là quy định liên quan đến hạn mức linh hoạt… Còn trong lĩnh vực hải quan thì có thể thấy rõ khác biệt liên quan đến hình thức truy xuất chứng từ xuất xứ hàng hóa; hoặc quy định về nguyên tắc lãnh thổ…

Do vậy, bà Đặng Thị Hải Bình nhận định, các doanh nghiệp cần nắm chắc các quy định như trên, bởi bên cạnh thuận lợi mang lại là giảm thiểu thủ tục hành chính, các ưu đãi về thuế thì cũng có những quy định riêng về thủ tục mà doanh nghiệp cần lưu ý, các quy định này có nhiều khác biệt so với các hiệp định khác.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực hải quan, các doanh nghiệp cần xác định xem hàng thuốc thuộc trường hợp nào, có thuộc đối tượng cần phải nộp chứng từ hải quan hay không. Thông tin về xuất xứ hàng hóa là thông tin bắt buộc khai báo trên tờ khai xuất khẩu.

Hơn nữa, doanh nghiệp cần phải xác định rất rõ thời điểm nộp chứng từ hàng nhập khẩu bởi mỗi hiệp định sẽ có quy định khác nhau… Vì thế, các doanh nghiệp cần phải đọc rất kỹ văn bản và thực hiện đúng các quyết định đã được hướng dẫn tại các văn bản pháp quy.

Ngoài ra, hiện tình hình địa chính trị của EU có rất nhiều biến động nên có thể làm thay đổi chính sách ưu đãi thuế quan trong quá trình thực thi EVFTA. Đặc biệt, các doanh nghiệp sẽ phải lưu ý về những điểm mới về việc sử dụng chứng nhận xuất xứ khi chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) sẽ hết hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Về vấn đề này, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, việc chuyển đổi từ GSP thì các quy định về yêu cầu xuất xứ cũng khá là tương đồng, nên việc thực thi không gặp nhiều khó khăn với các doanh nghiệp đã từng xuất khẩu vào thị trường EU. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp bắt đầu tham gia vào thị trường xuất khẩu thì cần phải nắm bắt các quy định, thủ tục nên sẽ cần phải có hướng dẫn đào tạo.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đưa ra lưu ý, doanh nghiệp khi có giấy tờ chứng nhận xuất xứ không phải tại thời điểm nộp các chứng từ đó cho cơ quan hải quan nước nhập khẩu đã là xong việc mà sau đó còn câu chuyện liên quan đến kiểm tra sau thông quan, hậu kiểm của bên hải quan nước nhập khẩu. Thế nên, các doanh nghiệp cần có hệ thống lưu trữ chứng từ, hồ sơ rất cẩn thận.

Từ những vấn đề nêu trên, bà Đặng Thị Hải Bình nhấn mạnh, khi GSP chấm dứt thì về khía cạnh hải quan, để tận dụng bất cứ một hiệp định ưu đãi thuế quan nào trong khuôn khổ FTA thì doanh nghiệp cần xác định rõ hàng hóa có đáp ứng quy tắc xuất xứ trong khuôn khổ này hay không và phải lưu ý với chứng từ. Hơn nữa, doanh nghiệp cần lưu ý đáp ứng đúng quy định của cả Việt Nam và quy định của EU.

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí