Theo số liệu Tổng cục Hải quan vừa công bố, kỳ 2 tháng 8 (từ ngày 16-31/8) kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 35,42 tỷ USD, tăng 16,6% (tương ứng tăng 5,05 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 8/2022.
Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 8 đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 8 tháng đầu năm lên 499,71 tỷ USD, tăng 15,9% (tương ứng tăng 68,69 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.
Năm 2022, dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ đạt mức kỷ lục mới |
Về xuất khẩu, kỳ 2 tháng 8 đạt gần 19,7 tỷ USD, tăng 30,2% (tương ứng tăng 4,57 tỷ USD) so với kỳ 1 tháng 8/2022.
Tính chung 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 252,6 tỷ USD, tăng 18,2%, tương ứng tăng 38,85 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.
Về nhập khẩu, kỳ 2 tháng 8 đạt 15,73 tỷ USD, tăng 3,2% (tương ứng tăng 483 triệu USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 8/2022.
8 tháng, kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 247,11 tỷ USD, tăng 13,7% (tương ứng tăng 29,84 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021. Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng phục vụ cho sản xuất của doanh nghiệp.
Trong kỳ 2 tháng 8, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 3,97 tỷ USD. Tính chung 8 tháng đầu năm Việt Nam xuất siêu 5,49 tỷ USD.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong năm 2022, ngay từ thời điểm đầu năm, cơ hội lớn nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bắt đầu có hiệu lực, mở rộng hơn cánh cửa cho hàng xuất khẩu của Việt Nam vào các quốc gia thành viên. Hơn nữa, RCEP có sự tham gia tích cực của Trung Quốc nên giúp các doanh nghiệp Việt Nam có nguồn nguyên liệu đầu vào rẻ hơn, từ đó sản xuất hàng hóa xuất khẩu đi các thị trường lớn tại châu Âu, châu Mỹ… có thể tăng thêm lợi nhuận và thị phần. Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như EVFTA, CPTPP đã và đang bước vào giai đoạn cắt giảm mức thuế quan lớn hơn, ưu đãi nhiều hơn cùng với tình hình dịch bệnh Covid-19 thuyên giảm nên càng giúp thúc đẩy thương mại.
Tuy nhiên, cơ hội song hành cùng thách thức, tình hình lạm phát, suy thoái còn nhiều bất định, nhất là tại châu Âu và Mỹ. Hơn nữa, tình hình chiến sự giữa Nga – Ukraine, khủng hoảng năng lượng, lương thực còn kéo dài, đe đọa đến tính bền vững của thu nhập khả dụng của người tiêu dùng ở các nước phát triển, tạo áp lực khiến mức tiêu dùng hàng nhập khẩu từ Việt Nam không còn như trước. Đặc biệt, mức độ kéo dài của khó khăn còn phụ thuộc vào tình hình biến động địa chính trị tại nhiều quốc gia, cũng như tính đúng đắn trong điều hành chính sách tiền tệ của Mỹ và các nước châu Âu, kể cả Việt Nam.
Các chuyên gia dự báo, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì nhiều khả năng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm 2022 sẽ đạt trên 700 tỷ USD. Cán cân thương mại có thể duy trì xuất siêu và xuất nhập khẩu sẽ vượt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra là tăng 7-8%.