(HQ Online) – Trong hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có quan hệ ngoại thương, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất.
Biểu đồ: T.Bình. |
Thị trường đầu tiên đạt quy mô 100 tỷ USD
Là quốc gia láng giềng và là đối tác truyền thống, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc lập được nhiều kỷ lục, nhất là trong những năm gần đây.
Một trong những dấu mốc quan trọng đó là việc Trung Quốc trở thành đối tác đầu tiên đạt quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu 100 tỷ USD/năm (đến nay mới có hai thị trường đạt cột mốc này là Trung Quốc và Hoa Kỳ).
Dựa vào dữ liệu thống kê của ngành Hải quan cho thấy, kết quả trên đạt được lần đầu tiên vào năm 2018. Trong năm đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 106,89 tỷ USD (Việt Nam xuất khẩu 41,37 tỷ USD, nhập khẩu 65,52 tỷ USD).
Từ đó đến nay, thương mại song phương Việt Nam- Trung Quốc luôn duy trì con số trên 100 tỷ USD/năm.
Cụ thể, năm 2019 đạt 116,93 tỷ USD (Việt Nam xuất khẩu 41,46 tỷ USD, nhập khẩu 75,47 tỷ USD); năm 2020 đạt 133,1 tỷ USD (xuất khẩu đạt 48,9 tỷ USD và nhập khẩu 84,2 tỷ USD).
Bước sang năm 2021, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động lớn đến thương mại toàn cầu, trong đó có hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc, tuy nhiên, xuất nhập khẩu giữa hai nước vẫn đạt được những kết quả khả quan với tổng kim ngạch cả năm đạt gần 166 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 55,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với năm 2020 và nhập khẩu đạt 110,5 tỷ USD tăng mạnh 31,3%.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu đầu tiên của Việt Nam đạt kim ngạch 100 tỷ USD/năm (năm 2021).
Infographics: Hơn 100 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam- Trung Quốc sau 7 tháng
(HQ Online) – Hết tháng 7, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 101,52 tỷ USD. Trung Quốc là … |
Việt Nam nhập siêu lớn
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2022, xuất nhập khẩu giữa hai nước đã vượt mốc 100 tỷ USD (đạt 132,38 tỷ USD).
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 41,22 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 14,6% tổng kim ngạch cả nước.
Hết tháng 9 có 10 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Lớn nhất là điện thoại và linh kiện với 10,07 tỷ USD, tăng 42,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nhóm hàng “tỷ đô” đáng chú ý khác như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim; máy móc, thiết bị; rau quả; thủy sản; cao su…
Chiều ngược lại, hết tháng 9, Việt Nam chi tới 91,16 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm đến 33,1% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Không chỉ giữ vị trí số 1, thị phần kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc còn vượt xa các thị trường còn lại.
Đơn cử như so với thị trường nhập khẩu lớn thứ hai là Hàn Quốc, thị phần của Trung Quốc vượt đến 15,6 điểm phần trăm, tương đương khoảng cách hơn 43 tỷ USD (thị trường Hàn Quốc đạt 48,12 tỷ USD, chiếm 17,5% kim ngạch nhập khẩu cả nước).
Với ưu thế lớn kể trên nên Trung Quốc có mặt ở hầu hết những nhóm hàng nhập khẩu của Việt Nam từ công nghệ đến máy móc, thiết bị hay nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, kể cả hàng hóa tiêu dùng… với kim ngạch từ hàng trăm triệu đến hơn 10 tỷ USD/nhóm.
Trong đó ưu thế lớn có thể kể đến như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 18,74 tỷ USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ 2021; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng 18,73 tỷ USD, giảm nhẹ 0,3%; nguyên phụ liệu dệt may,da giày chiếm tỷ trọng 53% của nhóm hàng này với 11,07 tỷ USD, tăng 9,3%…
Về tổng thể, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, ở chiều nhập khẩu quốc gia này cũng là thị trường số 1, trong khi xuất khẩu giữ vị trí thứ 2 (thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ).
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là thâm hụt thương mại của nước ta với quốc gia láng giềng còn rất lớn.
Đơn cử như năm 2021, nước ta nhập siêu 55,23 tỷ USD và 9 tháng đầu năm nay là xấp xỉ 50 tỷ USD. Với quy mô kim ngạch nhập khẩu lớn, tăng trưởng cao hơn so với xuất khẩu, nhiều khả năng năm 2022 mức thâm hụt còn lớn hơn năm ngoái.