Ông Thang Văn Thông – Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, Phó Chi hội trưởng Chi hội dăm gỗ Việt Nam – đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.
Xin ông chia sẻ về tình hình xuất khẩu dăm gỗ hiện nay?
Xuất khẩu dăm gỗ đang chững lại, giá đang giảm xuống. Tại các cảng chuyên xuất khẩu dăm gỗ như: cảng Quốc tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) và cảng Cái Lân (Quảng Ninh) hiện lượng tồn rất lớn.
Vì sao dăm gỗ vẫn chủ yếu xuất thô? |
Nguyên nhân chính là do từ cuối tháng 9 đến nay tình hình xuất khẩu dăm đang chậm lại và giá đang rớt, giảm khoảng 15 USD/tấn so với cuối tháng 9. Dự kiến, mức độ giảm giá chỉ chững lại vào khoảng đầu tháng 12.
Việc giá dăm chững lại thời điểm này một phần do suy thoái kinh tế, nhưng nguyên nhân chính là do các tàu không “ăn hàng” của Việt Nam nữa và di dời đi mua các nước khác. Bởi cùng giá thành, nhưng chất lượng dăm của các nước cao hơn.
Giá thành của dăm gỗ bây giờ cũng khác với năm ngoái. Năm ngoái 1 tàu xuất đi giá thanh khoảng 60 tỷ, còn hiện nay 1 tàu xuất đi vào khoảng 100 tỷ. Cùng 1 tàu hàng đó, trọng lượng đó nhưng giá thành khác đi, lượng vốn sử dụng nhiều hơn.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ dăm gỗ lớn nhất của Việt Nam chiếm 90% lượng xuất khẩu. Về việc tìm kiếm thị trường mới sẽ là rất khó bởi EU, Hoa Kỳ đều có nhà máy bột giấy và nguồn nguyên liệu của họ. Chỉ riêng Trung Quốc, họ có rất nhiều tập đoàn làm nhà máy giấy, trong khi đó, vùng nguyên liệu rất ít nên bắt buộc phải nhập nguyên liệu.
Trước tình trạng này, trong những tháng cuối năm, khó khăn nhất đối với doanh nghiệp vẫn là vấn đề tài chính. Chúng tôi cũng chỉ hi vọng tháo gỡ tài chính từ 2 nguồn: Thứ nhất doanh nghiệp đang tồn đọng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng của ngành thuế cho các doanh nghiệp dăm gỗ và nới room tín dụng từ các ngân hàng.
Liệu Trung Quốc có phải là thị trường dễ nhất và doanh nghiệp Việt Nam cũng lựa chọn phương án dễ nhất?
Không phải, hiện nay thị trường Nhật Bản chiếm 15%, muốn xuất khẩu thêm lên 15-16% thì họ cũng đều không nhập hàng của mình được vì quy mô nhà máy giấy của họ và không phát triển thêm. Trong khi Trung Quốc phát triển thêm các nhà máy giấy, do đó, quy mô của chúng ta phù hợp với thị trường Trung Quốc, mà không có giải pháp nào khác.
Hàn Quốc cũng chỉ có duy nhất nhà máy giấy, Nhật Bản có tổng cộng 4 nhà máy giấy, trong khi đó, Trung Quốc có 10 nhà máy giấy, công suất các nhà máy tại Trung Quốc cũng lớn hơn của Nhật Bản và Hàn Quốc. Hiện nay, các nước Đông Nam Á sử dụng vùng nguyên liệu dăm gỗ chủ yếu từ Việt Nam là chính Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trung Quốc nhập khẩu dăm gỗ từ Việt Nam chiếm khoảng 60%, 40% còn lại họ nhập khẩu từ các nước khác.
Nếu thị trường vẫn như hiện nay thì giá xuất khẩu vẫn giữ được. Nhưng nếu giá dầu giảm thì các nhà nhập khẩu sẽ đi tìm nguồn liệu ở nơi khác với giá thành tốt hơn và đưa giá thành của Việt Nam về mức ban đầu.
Ông Thang Văn Thông – Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, Phó Chi hội trưởng Chi hội dăm gỗ Việt Nam |
Ông đánh giá thế nào về bài toán tăng thêm thị phần xuất khẩu cho ngành dăm gỗ?
Hiện đang có 2 vấn đề. Thứ nhất, vùng nguyên liệu chỉ đến đó, nếu muốn tăng thêm cần có cuộc cách mạng thay đổi từ cây giống trồng đến cách trồng, ví như như đưa năng suất từ 80 tấn/1ha lên 160 tấn/ha, khi đó sẽ cạnh tranh được với các nước khác. Tuy nhiên, hiện nay vùng nguyên liệu của chúng ta cũng chỉ đến đó do đó khó có thể cạnh tranh.
Thứ hai, các nước khác không sử dụng thân cây làm đồ nội thất và ngoại thất. Việt Nam sử dụng cây gỗ làm 4 phần: Chế biến sâu (nội thất, ngoại thất); đồ ván ép; dăm gỗ; viên nén. Chính vì vậy, gỗ rừng trồng được phân chia vùng nguyên liệu hài hòa cho tất cả các ngành chế biến gỗ nói chung. Khi khâu nào chững lại thì nguyên liện sẽ dồn về các khâu khác.
Là người đã tham gia ngành dăm gỗ 22 năm. Có những ý kiến cho rằng chúng ta đang xuất nguyên liệu thô. Nhưng theo tôi, chúng ta cũng không làm gì khác được ngoài việc xuất nguyên liệu thô này vì chúng ta không chế biến ra sản phẩm khác được, giá trị cao hơn được. Trừ trường hợp Chính phủ cho phép chúng ta làm các nhà máy bột giấy tại Việt Nam.
Như ông chia sẻ, chúng ta đang xuất khẩu nguyên liệu đi và nhập giấy về, liệu các doanh nghiệp trong hội có tính toán phương án làm từ A – Z?
Có chứ. Chúng tôi đã đề xuất nhà máy bột giấy ở miền Trung nhưng chưa được chấp nhận vì lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường, liệu nước thải từ sản xuất giấy có xử lý được không? Nhưng thực tế hiện nay, công nghệ đã rất tiến bộ, trong đó có công nghệ xử lý nước thải.
Nếu làm được nhà máy bột giấy trong nước thì hiệu quả sẽ rất tốt, chúng ta sẽ giảm xuất khẩu thô đi và tạo thành nguyên liệu tốt hơn, giá thành tốt hơn, giá trị cao hơn.
Trên thực tế, các doanh nghiệp nhà nước vẫn đang làm được, điển hình như Nhà máy giấy An Hòa hay Nhà máy giấy Bãi Bằng. Dù vậy, việc đầu tư này cũng là bài toán khá mạo hiểm đối với những doanh nghiệp tư nhân. Bởi việc đầu tư một nhà máy bột giấy với nguồn vốn hàng tỷ USD. Nếu có 1 khúc mắc gì trong chuỗi xử ký chất thải thì nguy cơ dẫn đến phá sản là rất lớn.
Xin cám ơn ông!