Vinatex lo nhu cầu hàng may mặc thấp còn kéo dài

Vinatex lo nhu cầu hàng may mặc thấp còn kéo dài

Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), với thị trường ngành hàng may mặc, tình trạng cầu thấp của năm 2023 có thể kéo dài sang năm 2024.

Ông Vương Đức Anh – Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong tháng 7/2023 đạt 3,81 tỷ USD, giảm 9,4% so với cùng kỳ, tăng 6,2% so với tháng 6/2023. Lũy kế 7 tháng năm 2023, xuất khẩu dệt may đạt 22,5 tỷ USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ 2022.

Doanh nghiệp dệt may
Vinatex lo nhu cầu hàng may mặc thấp còn kéo dài

Dự báo về thị trường, ông Vương Đức Anh nhận định, đối với thị trường ngành may, tình trạng cầu thấp của năm 2023 có thể kéo dài sang năm 2024. Thị trường những tháng cuối năm 2023 chưa có động lực tăng, tổng cầu có thể chỉ tăng theo mức tăng tự nhiên hàng năm với các mùa lễ hội cuối năm. Với thị trường Mỹ, nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ 6 tháng cuối năm dự kiến tăng 10% so với 6 tháng đầu năm, đưa cả năm 2023 kim ngạch nhập khẩu hàng may mặc của thị trường này đạt 80 tỷ USD (giảm 20% so với năm 2022). Với thị trường Nhật, có thể tiếp tục đà tăng của 6 tháng đầu năm, tuy nhiên có thể bị tác động giảm giá 5-7% so đồng Yên tiếp tục mất giá theo như dự báo của JP Morgan.

Với thị trường bông – xơ – sợi, giá bông 6 tháng cuối 2023 sẽ tăng nhẹ, dao động trong khoảng trung bình 82 – 88 cent/lb, tương đương 2,1 – 2,3 USD/kg. Với xơ polyester có thể biến động nhẹ theo giá dầu, dao động từ 1 – 1.05 USD/kg với dự báo giá dầu chỉ dao động quanh mức 80-90 USD/thùng. Với thị trường sợi quý 3 vẫn ở mức thấp tương đương quý 2, quý 4 cầu và giá sợi sẽ cải thiện nhẹ trên nền giá bông và xơ đầu vào, do đó các DN sợi có thể sẽ giảm bớt thua lỗ khi giá bông cao đã dùng hết, trong khi giá sợi gần như sẽ không biến động.

Phân tích một số dự báo về tỷ giá 5 tháng cuối năm 2023, Chủ tịch HĐQT, Vinatex Lê Tiến Trường cho rằng: Mức độ mất giá của VNĐ so với các đồng nội tệ của các nước là rất thấp, trong đó VNĐ mất giá ở mức 1,48%, trong khi Nhân dân tệ (Trung Quốc) là 7,15%, Yên (Nhật) là 8,29%, đồng Tân Đài tệ (Đài Loan, Trung Quốc) là 5,59%… Do đó, áp lực giảm giá VNĐ là rất lớn khi nới lỏng chính sách tiền tệ. Đồng USD tăng giá và lãi suất cao hơn VNĐ sẽ xuất hiện rủi ro lớn hút dòng vốn ra khỏi Việt Nam.

Bên cạnh đó, hiện chưa phải thời vụ nhập khẩu phục vụ sản xuất giáng sinh, nhập khẩu hàng tiêu dùng dịp Tết, do đó thời gian tới cầu ngoại tệ sẽ tăng. Với những dự báo trên, khả năng từ nay tới cuối năm VNĐ sẽ mất giá thêm 2% vào cuối năm 2023. Do đó, các doanh nghiệp cần cân nhắc đưa ra một số giải pháp điều hành linh hoạt, tránh làm biến động tỷ giá tác động tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh cả năm.

Hải Linh

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí