Sở Công Thương Nghệ An cho biết, do lạm phát còn ở mức cao, khủng hoảng kinh tế ở các thị trường xuất khẩu chủ lực đối với các sản phẩm công nghiệp của tỉnh Nghệ An nên chi tiêu mua sắm giảm, chiến tranh Nga – Ukraine kéo dài… khiến giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng, chi phí vận chuyển tăng ở mức cao làm cho chi phí sản xuất tăng lên đã tiếp tục ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Nghệ An những tháng đầu năm 2023.
Xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn
Theo đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 5 năm 2023 ước đạt 190 triệu USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá tháng 5 ước đạt 145 triệu USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, có thể thấy việc sụt giảm đều đến từ các nhóm hàng chủ lực cụ thể: Tôn thép các loại giảm 67,3%, Dệt may giảm 15,8%, Thiết bị linh kiện điện tử giảm 39,8%…
Chuyến tàu Container quốc tế Biển Đông Mariner cập cảng Cửa Lò (Nghệ An). |
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lên 896,8 triệu USD, giảm 2,58% so với cùng kỳ năm 2022. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm khoảng 564,3 triệu USD, giảm 5,44% so với kim ngạch cùng kỳ 2022 (chủ yếu giảm nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ sản xuất các ngành dệt may, linh kiện điện tử…).
Theo nhận định của ông Hoàng Minh Tuấn – Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu Sở Công Thương Nghệ An, những khó khăn trong sản xuất và sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu trong quý I/2023 tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa trong tháng 4,5/2023.
Sở Công Thương Nghệ An nhìn nhận, nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của cả tỉnh như ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện điện tử… tiếp tục giảm mạnh do thị trường xuất khẩu vẫn gặp khó khăn, đơn hàng khan hiếm (sản phẩm sợi 70% sản lượng xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc nhưng do ngành may mặc giảm sút nên khách hàng giảm nhập khẩu; sản phẩm May mặc của hầu hết các doanh nghiệp giảm từ 20% so với cùng kỳ; sản phẩm Linh kiện điện thoại các nhà máy đều giảm do công nghệ thay đổi phải trả lại đơn hàng và có 01 nhà máy của Em-Tech ngừng hoạt động).
Sản xuất vật liệu phục vụ ngành xây dựng như xi măng, đá xây dựng, gạch xây, ống nhựa Tiền Phong giảm so với tháng 4/2022 do hoạt động đầu tư xây dựng tư nhân giảm sút, giải ngân đầu tư công chậm, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi…Các cản phẩm ván gỗ MDF, ván ghép thanh giảm mạnh do Mỹ và các quốc gia Châu Âu tiếp tục điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam. Sản xuất viên nén sinh khối một số nhà máy giảm, lượng tồn kho lớn do cạnh tranh về giá xuất khẩu gay gắt…
Bên cạnh đó, một số thị trường truyền thống của các doanh nghiệp xuất khẩu ở Nghệ An có kim ngạch giảm như: Trung Quốc giảm 17,5%; Hoa Kỳ giảm 8%, Đài Loan giảm 42,5%, Thụy Sỹ giảm 60%….
Chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng sụt giảm về kim ngạch xuất nhập khẩu của một số mặt hàng, ông Hoàng Minh Tuấn cho hay, một số mặt hàng sụt giảm mạnh, như tôn thép các loại giảm đến 44,2%. “Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôn thép năm 2022 tăng đột biến do tình hình dịch diễn ra phức tạp ở các tỉnh phía Nam, nên mặt hàng này dịch chuyển ra Nghệ An sản xuất kéo theo sản lượng tăng. Năm nay, lượng hàng sản xuất xuất khẩu trở về ổn định như các năm trước nên kim ngạch mặt hàng này so với năm 2022 giảm“- ông Tuấn nêu rõ.
Nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Nghệ An như dệt may, da giày, sản xuất linh kiện điện tử… tiếp tục giảm mạnh do thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, đơn hàng khan hiếm… |
Còn đối với dệt may giảm 12,8%, xơ sợi dệt giảm đến 80%, lý do dẫn đến sụt giảm được đưa ra đó là giảm cầu tiêu thụ, có thể xuất phát từ lạm phát tăng quá cao. Khi giá cả tăng quá cao thì khách hàng lại tập trung vào những mặt hàng thiết yếu nhiều hơn những mặt hàng tiêu dùng khác, do đó đơn hàng xuất khẩu cũng giảm. Điển hình của đơn hàng giảm đặc biệt đối với thị trường Mỹ là thị trường có biến động mạnh, nhu cầu tiêu dùng giảm.
Một số thị trường truyền thống của doanh nghiệp Nghệ An cũng gặp khó khăn được ngành Công Thuơng Nghệ An chỉ ra như: Trung Quốc mới mở cửa, chuỗi cung ứng chưa hồi phục, chính sách thắt chặt kiểm soát về hàng nông sản, thực phẩm; thị trường Hoa Kỳ do nhu cầu tiêu dùng giảm, suy thoái kinh tế, thị trường EU do chính sách thắt chặt tiền tệ, lạm phát tăng, các tiêu chuẩn và quy định ngày càng khắt khe…
Cách nào để đẩy mạnh xuất nhập khẩu trong thời gian tới?
Nhận định sức mua vẫn hồi phục chậm, sản xuất vẫn sẽ khó khăn do thiếu hụt đơn hàng, ông Phạm Văn Hoá – Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết, ngành Công Thương đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất nhập khẩu trong thời gian tới.
Cụ thể, Sở tiếp tục hướng dẫn doanh nghiệp vận dụng hiệu quả ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN… Cùng với đó tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như: Hoa Kỳ, Nga, Đông Âu, Bắc Âu, Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh…
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin thị trường, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Ngoài ra tăng cường nắm bắt thông tin ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán, các hoạt động tuyên truyền thiếu thiện chí đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam… để các doanh nghiệp Nghệ An có giải pháp ứng phó kịp thời.
Hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, ứng dụng thương mại điện tử đặc biệt là đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazon, Alibaba,… kết nối, giới thiệu doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại tại nước ngoài theo Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình kết nối hàng Việt với cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài.
Cùng với đó hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận mạng lưới phân phối nước ngoài; Phối hợp với Ủy ban người Việt ở nước ngoài – Bộ Ngoại giao, Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương để chức đưa sản phẩm của tỉnh tham gia mạng lưới phân phối tại nước ngoài; Cải thiện nâng cao năng lực cạnh tranh dịch vụ logistics; Nghiên cứu giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu tiểu ngạch chuyển sang xuất khẩu chính ngạch; Tiếp tục phổ biến về quy tắc xuất xứ và cách đáp ứng quy tắc xuất xứ để giúp các doanh nghiệp nắm bắt được các cơ hội mở ra từ các FTA, nâng cao hơn nữa tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong các FTA…