Xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 125,56 tỷ USD, giảm 14,2%

Xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 125,56 tỷ USD, giảm 14,2%

Từ đầu năm đến hết ngày 15/4, kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ đạt 125,56 tỷ USD, giảm 14,2%.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15/4 đạt 179,74 tỷ USD, giảm 14,6%, tương ứng giảm 30,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 125,56 tỷ USD, giảm 14,2%
Các doanh nghiệp FDI chiếm hơn 67,4% mức sụt giảm kim ngạch của cả nước

Đáng chú ý, kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ đạt 125,56 tỷ USD, giảm 14,2% (tương ứng giảm 20,7 tỷ USD). Như vậy, các doanh nghiệp FDI chiếm hơn 67,4% mức sụt giảm kim ngạch của cả nước.

Về xuất khẩu, kỳ 1 tháng 4 (1-15/4), kim ngạch của doanh nghiệp FDI đạt 9,56 tỷ USD, giảm 20,5% tương ứng giảm 2,47 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 3/2023. Tính đến hết ngày 15/4/2023, đạt 68,6 tỷ USD, giảm 11%, tương ứng giảm 8,48 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 74,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Về nhập khẩu, kỳ 1 tháng 4 các doanh nghiệp FDI chi đạt 8,28 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa, giảm 8,6% (tương ứng giảm 779 triệu USD) so với kỳ 2 tháng 3/2023. Tính đến hết ngày 15/4/2023, tổng kim ngạch đạt 56,96 tỷ USD, giảm 17,7% (tương ứng giảm 12,26 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 65,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Các số liệu nêu trên cho thấy, các doanh nghiệp FDI có đóng góp rất quan trọng vào kết quả xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Đặc biệt, các doanh nghiệp này chiếm ưu thế lớn ở nhiều nhóm hàng chủ lực như điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; gỗ và sản phẩm gỗ; giày dép; dệt may…

Theo các chuyên gia, những khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu từ cuối năm 2022 chưa thể khắc phục ngay và dự báo còn kéo dài sang năm 2023. Sự sụt giảm của nhu cầu thế giới, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn, vốn là các thị trường nhập khẩu hàng đầu trên thế giới, chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023.

Bên cạnh đó, những cú sốc chuỗi cung ứng làm giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, khiến giá thành sản xuất hàng hoá ở mức cao. Tình hình xuất khẩu còn bị ảnh hưởng do lạm phát tăng cao, tồn kho cao, ảnh hưởng đến sức cầu nhập khẩu hàng hoá của người tiêu dùng, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là các mặt hàng không thiết yếu, vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường các nước phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn, cũng có những yếu tố tích cực như các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục được thực thi với lộ trình cắt giảm thuế quan; thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài vẫn tích cực… sẽ là động lực cho xuất khẩu trong năm 2023.

Quỳnh Nga

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí